Trang chủ

     

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Bộ trưởng Thăng và Cục trưởng C67 tranh luận “nóng bỏng” về... xã hội đen; Lại vỡ đập thủy điện Ia Krel 2

Xe_qua_tai_pha_duong

Bộ trưởng Thăng và Cục trưởng C67 tranh luận “nóng bỏng” về... xã hội đen

(Dân trí) - Trước lý lẽ của Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục C67 - cho rằng “xã hội đen yểm trợ xe quá tải ” chỉ là nói mồm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư là xã hội gì?”.


Nội dung được cho là nổi cộm nhất tại cuộc họp Thường trực tháng 8 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT) sáng nay 1/8 là vấn đề tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe và tình trạng xã hội đen ở nhiều địa phương đang bảo kê, dẫn đường cho xe quá tải, quá khổ diễn ra nghiêm trọng trên một số tuyến đường bộ hiện nay.
Với tình hình này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBATGTQG - yêu cầu phải có các giải pháp mạnh tay để chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe, trong chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể là CSGT và TTGT làm nhiệm vụ tại các trạm cân, tránh gây “xói mòn” lòng tin của nhân dân.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, xã hội đen dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, bảo kê và môi giới dẫn xe quá tải tránh trạm cân; trong khi đó một bộ phận lực lượng CSGT và TTGT làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng có hành vi tiếp tay và móc nối tạo ra tiêu cực.
Đoàn xe quá tải "ung dung" chạy lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang thi công, sử dụng bảo kê dẫn đường, và trấn áp bảo vệ công trường
Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và những phát biểu của đại diện Cục Đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cuộc họp thực sự “nóng” lên khi đại diện Bộ Công an bày tỏ quan điểm về những nội dung liên quan.
Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C67) - Bộ Công an - cho biết, CSGT ở các địa phương còn rất nhiều việc khác phải làm chứ không chỉ có nhiệm vụ ở các trạm cân xe. Theo Đại tá Trần Sơn Hà, việc Bộ GTVT chỉ căn cứ vào những báo cáo một chiều của ngành mình để đưa ra đánh giá về trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ là chưa ổn. Ông Hà kiến nghị cần có cuộc họp liên ngành với sự chủ trì của lãnh đạo 2 Bộ Công an và GTVT để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của mỗi bên.
Nói về tình trạng xã hội đen “yểm trợ” cho xe quá tải, Cục trưởng C67 phản biện: "Thế nào là xã hội đen? Cứ nói mồm thế. Xã hội đen là khống chế hoàn toàn chính quyền địa phương hoặc một đơn vị nào đó. Xã hội đen là tập thể và phải có tổ chức, chứ một đối tượng không thể gọi là xã hội đen được mà chỉ là cò mồi". Ông Hà cho rằng Bộ GTVT đưa vào văn bản báo cáo Chính phủ và dùng từ xã hội đen là chưa cần thiết.
Ông Trần Sơn Hà cho biết, sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đinh La Thăng chiều 31/7, C67 sẽ kiểm điểm toàn bộ những cá nhân làm nhiệm vụ trên các tuyến đường để xảy ra “bỏ lọt” xe quá tải, nếu phát hiện cá nhân nào có hành vi vi phạm thì sẽ thay ngay.
Trước ý kiến của Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết cuộc họp sơ kết liên Bộ Công an và GTVT để kiểm điểm đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng do Bộ Công an không thu xếp được thời gian nên cuộc họp vẫn chưa thể diễn ra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên người đứng đầu ngành GTVT một lần nữa khẳng định tiêu cực tại các trạm cân của CSGT và TTGT là có. Vậy nên mới có chuyện để yên cho xe quá tải vô tư chạy từ Nam ra Bắc. Theo ông Thăng, xe quá tải trọng ai nhìn thấy cũng biết, người dân bức xúc, báo chí phản ánh, nhưng chỉ lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm cân là không biết gì.
Bộ trưởng Thăng và Cục trưởng C67 tranh luận “nóng bỏng” về... xã hội đen
Đoàn xe quá tải rầm rập chạy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai gần 2 tháng nay, nhưng lực lượng CSGT không hay biết?!
Riêng về lập luận thế nào là "xã hội đen" của Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: “Tôi không nắm rõ định nghĩa về xã hội đen của các anh, nhưng chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát là xã hội gì? Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông, không phải của Bộ Công an, mà của một cá nhân dán lên xe là đi được, hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Tôi xin báo cáo với anh Hà, chỉ cần một lực lượng bảo kê, dẫn đường là cả đoàn xe ung dung đi, cả chính quyền và lực lượng công an, thanh tra tê liệt không làm được gì. Cả đoàn trăm cái xe được chụp ảnh lại, có biển số xe, có phù hiệu hẳn hoi mà các vẫn bảo là không có, không biết gì? Xã hội đen hay không xã hội đen thì xin Bộ Công an cho ý kiến!”.
Thêm một lần nữa “báo cáo” Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề cập đến việc lực lượng CSGT làm việc tại một trạm cân ở tỉnh Hậu Giang hôm qua (31/7). Sau khi đưa xe vào trạm cân, thấy xe chở đủ tải trọng thì lực lượng CSGT lại tìm bằng được lỗi để phạt nhà xe khi truy phanh, kích xe để xem có bị dơ không…
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nếu lực lượng công vụ làm không nghiêm túc, không cẩn thận thì sẽ dẫn đến việc pháp luật thực thi không đúng và chủ xe sẽ “manh động” vì không thể chịu được việc bị phạt trong khi mình không sai.
-----------
Ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - khẳng định, tiêu cực trong việc kiểm soát tải trọng xe là rõ ràng. Bằng chứng là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thấy xe vi phạm nhưng không dừng xe để kiểm tra hoặc cố tình làm ngơ, thậm chí hiện tượng xử lý “mồi” cũng đang diễn ra phổ biến (cả đoàn xe nhưng chỉ dừng kiểm tra 2-3 xe chạy đầu tiên không vi phạm, những xe còn lại vi phạm tải trọng thì cho qua - PV).
Một dẫn chứng khác được Chánh Thanh tra Bộ nêu lên thời gian kiểm soát tải trọng xe tại các trạm liên ngành. Theo quy định, thời gian các trạm kiểm soát tải trọng xe phải hoạt động là 24/7, nhưng ở nhiều địa phương thời gian hoạt động của trạm cân liên ngành CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT) rất thấp và hoạt động kiểm soát tải trọng không hiệu quả. Đơn cử như tại tỉnh Lạng Sơn thời gian trạm cân hoạt động chỉ 2,26%, tỉnh Cao Bằng là 5,41%, tỉnh Thái Nhuyên là 6,01%  và tỉnh Tây Ninh là 18,11%...

12h trưa nay, TQ xua hàng vạn tàu cá xuống biển Đông
ĐVO - Đúng 12h trưa (11h Việt Nam) hôm nay (01-8), hàng vạn tàu cá của Trung Quốc sẽ đồng loạt ra khơi, hướng tới Ngư trường biển Đông đánh bắt.

Trên trang mạng của Cục hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31-7 đăng tải thông báo số 0168 - năm 2014 với nội dung như sau: Kể từ 12h00 ngày 01-8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Đông sẽ chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.
Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 31-7 đưa tin, hiện tất cả tàu cá đánh bắt ở biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi, chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông đã có tới 9000 tàu đánh bắt xa bờ đang chờ ‘tiếng còi” kết thúc lệnh cấm, để ồ ạt ra khơi trưa ngày hôm nay.

Lại vỡ đập thủy điện Ia Krel 2
(TNO) Theo thống kê ban đầu của xã Ia Dom, có hơn 60 ha hoa màu chuẩn bị thu hoạch của 56 hộ dân, 28 nhà chòi rẫy ngập và bị cuốn trôi...
Hàng chục héc ta hoa màu trôi theo nước
Tờ mờ sáng ngày 1.8, người dân 3 làng: Ó, Bi, Mook Den, xã Ia Dom lại một phen hoảng hồn vì đập thủy điện Ia Krel 2 lại bị vỡ; vùng hạ du lại thêm một lần bị lũ càn quyét trong khi nhiều người dân đã đi làm cỏ mì còn trú tại chòi chưa về.
Đặc biệt, gần 60 cán bộ, công nhân cao su của Đội 20, Công ty 72 (Binh đoàn 15) bị cô lập do nước lũ suối Đôi dâng lên cao làm ngập cầu treo.
Công trình thủy điện Ia Krel 2 đã được cấp phép thi công trở lại. UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý chủ trương và Sở Xây dựng cấp phép. Về phía Sở Công thương, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục. Để xảy ra sự cố vỡ đập Ia Krel 2 lần này, chủ đầu tư (Bảo Long - Gia Lai) và đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải chịu trách nhiệm
Theo lời của ông Nguyễn Hữu Đức, Giám sát kỹ thuật (Công ty Bảo Long - Gia Lai): “Tối hôm qua (31.7), mép nước vẫn còn cách đỉnh đập quây 3,5m. Trong đêm và rạng sáng nay thì nước về dâng lên quá nhanh đã tràn qua đê quây và làm vỡ đập. Chúng tôi đã điện thông báo cho huyện và xã biết”.
Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, do nước lũ lên quá nhanh, mặc dù phía Bảo Long - Gia Lai đã cho xe múc phá tràn để xả nước nhưng vẫn không thể cứu được thân đập. Con đập lại bị vỡ ngay vị trí đã bị vỡ từ năm trước và thêm một vị trí ống xả mới xây cách đấy chừng 200m cũng bị vỡ.

Vụ cháy 'chưa từng có' ở Buôn Ma Thuột: Công an thừa nhận 'có hạn chế'
(TNO) Chiều ngày 1.8, tại cuộc họp báo định kỳ do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đại tá Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết lực lượng công an đã điều tra bước đầu về vụ cháy lớn trên đường Y Jút, TP.Buôn Ma Thuột xảy ra chiều 28.7 (Thanh Niên Online đã đưa tin).
Đại tá Định thừa nhận một số hạn chế trong công tác chữa cháy do trang thiết bị PCCC còn thiếu. Trong vụ cháy trên đường Y Jút vừa qua, lực lượng công an đã phải huy động thêm các xe cứu hỏa của Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, xe bồn chở nước của các doanh nghiệp quản lý đô thị và cấp nước sinh hoạt của TP.Buôn Ma Thuột, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy.
“Hiện Phòng PCCC Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ có 13 xe cứu hỏa, trong đó 1 xe bị hỏng, 2 xe có dung tích 8 m3 nước, còn lại là các xe từ 2 đến 6 m3. Số lượng phương tiện PCCC như vậy là còn thiếu và yếu so với nhu cầu, nhất là khi đối phó với những vụ cháy lớn”, ông Định nhận định.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định nhiều khả năng nguyên nhân cháy là do chập điện tại số nhà 105 Y Jút, sau đó lửa bùng phát, lây lan trên diện rộng. Theo đại tá Định, hiện một số mẫu vật, chứng cứ đã được đưa đi giám định tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an để có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây cháy.
Đại tá Định cũng cho biết qua thống kê, đánh giá hiện trường và kê khai của 13 hộ bị nạn, thiệt hại vật chất do vụ cháy khoảng 12,4 tỉ đồng.