Trang chủ

     

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG, ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG CỦA ÔNG CHA: TRIỆU THỊ TRINH – NỮ TƯỚNG ANH HÙNG

Ba_Trieu_Thi_Trinh

Bà là nữ tướng, anh hùng dân tộc thời đất nước chìm trong đêm dài nô lệ giặc Tàu.

Trong tâm thức người Việt, tên tuổi của Bà gắn liền với hai người nữ anh hùng dân tộc khác là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Liên danh Bà Trưng Bà Triệu đã trở nên quen thuộc đối với con dân Việt từ ngàn đời nay mỗi khi nhắc đến những liệt nữ anh hùng của dân tộc. Đó là niềm tự hào của các thế hệ con cháu đối với những người Mẹ Việt Nam Anh Hùng.


Tương truyền, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại làng Cẩm Trướng, huyện Quân Yên (cũng tức là huyện Quan Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Cha mẹ mất sớm nên Bà ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.

Thời ấy nhà Đông Ngô thống trị nước ta. Đấy là thời bi thương của cả dân tộc. Giặc Ngô vơ vét hết mọi của cải, thẳng tay đàn áp đồng bào ta một cách tàn nhẫn. Sự tàn bạo của chúng hằn sâu trong tâm can các thế hệ người Việt đến nỗi sau này bất cứ thế lực phong kiến phương Bắc nào sang xâm lược nước ta thì nhân dân ta đều gọi là giặc Ngô.

Nhưng chính trong máu lửa của tủi nhục và nô lệ, cha ông ta đã không chịu sống quì mà vùng lên mạnh mẽ chống lại ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng chói lọi nhất ở thế kỷ III vẫn là cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu phát động và lãnh đạo.

Năm Mậu Thìn (248), Bà bàn với anh trai khởi binh chống ách thống trị của giặc Ngô, giành độc lập cho dân nước. Căn cứ của nghĩa quân được lập ở vùng núi Nưa và Yên Định. Nghĩa quân đánh đâu thắng đó, thanh thế ngày càng mở rộng. Nhân dân khắp nơi nườm nượp rủ nhau theo về.

Khi người anh là Triệu Quốc Đạt không may lâm bệnh qua đời, Bà được các nghĩa binh tôn làm chủ tướng.

Đầu voi phất ngọn cờ vàng,
Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha.
                           (Đại Nam quốc sử diễn ca)

Hình ảnh Bà lúc ra trận đã trở thành biểu tượng đẹp cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam nói riêng và của cả dân tộc nói chung trước bạo lực của ngoại bang tham tàn. Có lẽ vì thế mà Bà còn được tôn là Nhụy Kiều tướng quân, tức vị nữ tướng có vẻ đẹp yêu kiều.

Chính vì sắc đẹp tuyệt vời của người con gái đang tuổi đôi mươi mà lúc bấy giờ mọi người bảo Bà nên làm vợ các quan để được là bà này bà nọ, sung sướng cuộc đời. Nhưng người con gái nhan sắc, đầy quả cảm và tài trí ấy đã trả lời một cách khảng khái: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta".

Thật không hổ danh là con cháu của Hai Bà Trưng !

Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng một lần nữa nó chứng minh cho khí phách anh hùng, bất khuất của một dân tộc trước các thế lực xâm lăng tàn bạo.
Khởi nghĩa Bà Triệu là mốc son chói lọi, là trang sử vàng trong truyền thống vẻ vang đánh giặc cứu nước của ông cha.

Cùng với Hai Bà Trưng và biết bao vị anh hùng dân tộc khác, tên tuổi của Bà Triệu mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau gìn giữ Đất Nước muôn đời.

10-5-2014
Nguyễn Duy Xuân