Trang chủ

     

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Bỏ quyền đăng cai Asiad 18 để tránh “gánh nợ” được không ?

Ganh_no_Asidas

Chuyện chi phí cho Asiad 2019 đang làm dấy lên sự lo ngại trong dư luận cả nước sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn đang giải trình. Ảnh Internet


Những gì mà ông BT trình bày nghe thật hấp dẫn nhưng lại không có sức thuyết phục vì nó…xa rời thực tế khiến dư luận nghĩ ông BT đang đi trên mây.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, ngân sách quốc gia không thể “bóp bụng” để chi một khoản tiền khủng vào một việc mà chưa biết hệ quả sẽ như thế nào. Vả lại, từ trước tới nay, các nước đã từng đăng cái Á vận hội, thậm chí cả Thế vận hội chưa thấy có lãi bao giờ. Nhưng do tiềm lực kinh tế của họ mạnh nên dẫu có lỗ cũng chẳng ảnh hưởng gì lớn. Nhà giàu mất một trăm đồng chưa đủ ngứa lông chân nhưng nhà nghèo chỉ cần mất một hào là mất ăn mất ngủ.

Với tiềm lực kinh tế hiện tại và trong vòng mươi năm tới, nước ta chỉ đủ sức để tổ chức đại hội thể thao cỡ SEA Games mà thôi. Đó là thực tế chứ không phải tự ti mặc cảm. Nếu chỉ biết lạc quan tếu hay sĩ diện hão, con cháu mai sau rồi sẽ gánh lấy món nợ khủng.

Món nợ ấy hôm nay công bố mới chỉ bốn năm ngàn tỉ, 5 năm sau ai mà biết được nó lại không đội lên con số hàng chục ?

Dù đã lỡ “nhận” rồi nhưng vẫn dừng lại được khi còn có thể. Cho nên, dư luận rất đồng tình với quan điểm của báo Tuổi trẻ: “bỏ cuộc Asiad còn hơn là nợ “truyền kiếp” và của báo Sài Gòn Giải phóng: “sớm từ bỏ quyền đăng cai tổ chức Asiad 18 để tránh “gánh nợ” cho thế hệ sau.”

Đó là sự dũng cảm chỉ có thể làm cho dư luận nể phục mà thôi.

Y Nguyên