Trang chủ

     

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

PHIẾM VỀ DANH HIỆU

Khen_thuong_zom1

Hôm nay đọc báo mạng thấy tin ngành giáo dục toàn quốc bắt đầu triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú lần thứ 13 năm 2014. Đó là những phần thưởng cao quí của Nhà nước, vinh danh những Nhà giáo, những cán bộ quản lí giáo dục tài năng.


Trò chuyện với anh bạn về chủ đề này. Anh bảo: “Ôi dào, cánh giáo viên trơn như bọn tôi thì đừng có bao giờ mà mơ tới. Danh hiệu NGND hay NGƯT thì chỉ dành cho các sếp thôi”.

Ngẫm điều anh bạn nói, thấy quả đúng thế thật. Dường như đã thành thông lệ, cuối năm bình xét, các vị lãnh đạo từ trưởng phó phòng trở lên mặc nhiên “nhặt” hết các danh hiệu thi đua, khen thưởng, nào là “chiến sĩ thi đua”, nào là “bằng khen” các cấp. Giáo viên trơn đạt được lao động tiên tiến đã là may mắn lắm rồi.

Lại nhớ cách đây gần hai năm, cơ quan anh bạn suýt nữa được rạng danh, mát mặt bởi sếp mười phần thì đã đạt đến chín phẩy chín danh hiệu NGƯT. Chỉ còn chờ ngày công bố.  Thế rồi ngày đó cũng đến, nhưng mà đến trong im lặng. Cả cơ quan, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Phúc bảy đời, nếu chẳng may sếp được tặng cái danh hiệu cao quí ấy thì tấm bằng khi nhận về chắc đã bị hoen ố nham nhở mất rồi.

Bởi đối chiếu với những tiêu chuẩn NGƯT qui định trong Thông tư 22/2008/TT-BGDĐT (sau này được thay thế bằng Thông tư 07/2012/TT-BGDĐT) thì sếp của anh bạn dù có phép mầu cũng không thể “hóa rồng” được. Về tiêu chuẩn tài năng sư phạm, thì đây, bao nhiêu năm nay ông không dám đụng đến chuyên môn được đào tạo vì… không dạy nổi, đành phải “tua đi tua lại” mấy bài chính trị cho có cớ để hưởng chế độ đứng lớp. Còn công trình khoa học ư ? Đó là cái đề tài về phòng, chống tham nhũng do sếp đứng tên chủ nhiệm, có độ dài… 13 trang giấy A4 mà quá một nửa số trang là trích nguyên văn các điều của Luật phòng, chống tham nhũng do Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001. Vì cái đề tài (gọi thế cho oách chứ thực ra là một mớ hỗ lốn, đầu ngô mình sở) “độc đáo, to tát” quá nên các đồng nghiệp trong tổ chuyên môn được giao trọng trách phải thông qua đã dám hành động một cách dũng cảm: biểu quyết loại bỏ.

Ngoài cái đề tài cấp “nhà nước” bị loại ấy, còn nhiều thành tích, công lao rạng rỡ khác được sếp kể lể trong bản thành tích dài 12 trang đánh máy. Thành tích to tát đến nỗi mấy tháng sau cái vụ xét tặng NGƯT bất thành, sếp được cấp trên ban cho cái danh hiệu cao quí khác: kỉ luật cảnh cáo vì tội tham nhũng, gây mất đoàn kết nội bộ…, tên tuổi giăng đầy mặt báo.

Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều ví dụ trong thực tế cho thấy việc xét tặng các danh hiệu thi đua còn nhiều bất cập. Vì bệnh thành tích, vì cái danh hão mà đôi khi người ta tìm mọi cách, từ lạm dụng quyền lực, phớt lờ những văn bản pháp qui đến việc ngụy tạo thành tích… tất cả chỉ nhằm một mục đích: giành bằng được mọi danh hiệu thi đua, làm cho việc khen thưởng biến tướng, phản cảm, không còn tác dụng nêu gương cho xã hội.

19-2-2014
Y Nguyên