Trang chủ

     

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Chấn động án oan chung thân tội giết người

Chan_dong_an_oan

(NLĐO)- Mặc cho ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan suốt từ phiên sơ thẩm tới phúc thẩm song TAND Bắc Giang rồi TAND Tối cao vẫn tuyên phạt tù chung thân về tội “Giết người” đến khi hung thủ thực sự ra đầu thú thì người đàn ông này mới được trả tự do hôm nay (4-11) sau 10 năm tù oan uổng.


Sáng nay 4-11 tại Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VIII, Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao đã công bố quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên phạt tù chung thân về tội “giết người” và công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Sau khi làm các thủ tục pháp luật cần thiết, khoảng 13 giờ 30 chiều nay 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về tới nhà ở thôn Me sau hơn 10 năm hàm oan tức tưởi trong vòng lao lý với tội danh khủng khiếp "Giết người".
Ông Nguyễn Thanh Chấn cùng người thân rơi nước mắt trong ngày đoàn tụ sau 10 năm tù oan tức

Trước đó, theo thông báo của Viện KSND Tối cao, ngày 15-8-2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án “giết người” và đến ngày 29-9-2003 ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.

Ngày 26-3-2004, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân. Tiếp đó, ngày 26 và 27-7-2004, Toà phúc thẩm, TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết người nhưng tại các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội và trong trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục kêu oan.

Hậu quả của bản án này khiến 4 đứa con của anh Chấn đều phải bỏ học vì không chịu được búa rìu dư luận. Vợ anh Chấn phải nhập viện tâm thần cách đây 2 năm sau hơn 8 năm kêu oan cho chồng.

Sự việc chỉ sáng tỏ khi bất ngờ ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15-8-2003 để cướp tài sản.

Ngày 4-11-2013, Viện trưởng viện KSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC  kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Cùng ngày, Phó viện trưởng viện KSND tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định số 04/QĐTĐCTHA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn

Được biết, Chánh án TAND tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm tại phiên toà xét xử sẽ diễn ra vào ngày 6-11.

10 năm, quãng thời gian quá dài đối với một người phải chịu tù oan và càng dài hơn với những người hàng ngày cầm đơn đi gõ cửa khắp nơi kêu oan; 10 năm đủ để cho một gia đình đang bình yên bị ly tán, tan nát vì búa rìu dư luận.

Người bị kết án oan giết người là con liệt sĩ

(NLĐO)- Tắm sạch sẽ ngay sau khi trở về nhà, ông Nguyễn Thanh Chấn ra trước bàn thờ thắp hương cho bố là liệt sĩ, khấn: “Nhờ có bố mà con không bị xử tử, còn sống được đến ngày nay để về thắp hương cho bố đây…!”.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (phải, áo trắng) thắp hương khấn bố là liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn

Từ sáng sớm tới trưa nay 4-11, hàng trăm người thân và dân làng đã đứng kín từ ngoài ngõ để đón ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), người bị kết án oan tù chung thân về tội giết người, trở về làng.

Đúng 13 giờ 30, xe chở ông Chấn cùng gia đình về đến ngõ, người thân và người dân đã vây lấy. Tất cả vỡ oà nức nở. Bà Chiến, vợ ông Chấn lại ngất đi, được người thân dìu vào trong.

Ông Chấn bước xuống trong sự xúc động mạnh, không thốt nên lời, chỉ khóc với đôi mắt nhắm nghiền vì mệt mỏi.

Việc đầu tiên của ông sau khi về nhà là tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới. Sau đó, ông ra trước bàn thờ thắp hương khấn bố: “Nhờ có bố mà con không bị xử tử, còn sống được đến ngày nay để về thắp hương cho bố đây…!”.

Bố ông Chấn, cụ Nguyễn Hữu Phấn là liệt sĩ. Chính vì vậy mà ông Chấn đã được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi tòa xử án do gia đình có công với cách mạng.

Sau đó, ông nghẹn ngào nói lời cảm ơn bà con: “Cảm ơn bà con đã đến chia sẻ với gia đình. Tôi được về đây là một hạnh phúc không thể nói hết nên lời”…

Vợ ông Nguyễn Thanh Chấn đã tố cáo hung thủ trước khi kẻ này đầu thú

(NLĐO)- Bà Nguyễn Thị Chiến - vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn - cùng một số người nhà nhiều lần cũng gửi đơn kêu oan cho chồng, trong đó tố cáo thủ phạm thực sự là Lý Nguyễn Chung. Từ đây, cơ quan điều tra mới khám phá, vận động Chung ra đầu thú.

Trong quá trình 10 năm chịu án chung thân về tội Giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có một số lần kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao và Tòa án nhân dân (TAND) tối cao xem xét.

Đáng chú ý, theo Viện KSND tối cao, bà Nguyễn Thị Chiến là vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, cùng một số người nhà nhiều lần cũng gửi đơn kêu oan cho chồng lên các cơ quan chức năng Trung ương. Trong đó, tố cáo thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15-8-2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 25-10-2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15-8-2003 để cướp tài sản.
Được biết, trong 10 năm kêu oan cho chồng, bà Chiến đã bị suy nhược thần kinh nặng nề. Cách đây 2 năm bà đã bị đột quỵ, sau đó phải vào Bệnh viện tâm thần Trung ương để điều trị.

Còn đây là bài trên báo Tiền Phong (đăng ngày 28-6-2006), đọc xong mới biết cơ quan điều tra và Tòa án quả là tài giỏi (!?)

Có chứng cứ ngoại phạm vẫn bị tù chung thân (Xem bài gốc tại đây)

TP - Bị kết án tù chung thân vì tội giết người đã gần 3 năm nay và đang thi hành án tại Vĩnh Phúc nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Chấn cùng vợ con ở quê nhà vẫn ngày ngày gửi đơn kêu oan…
Khoảng 22 giờ ngày 15/8/2003, người ta phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) đã bị giết.
Sau khi vụ án xảy ra 42 ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết luận thủ phạm là anh Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961), người cùng xóm, vì cưỡng dâm không thành đã giết chị Hoan.

Những điểm mâu thuẫn và bất hợp lý

Lật giở hồ sơ vụ việc, những căn cứ mà các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kết tội bị cáo Nguyễn Thanh Chấn có khá nhiều mâu thuẫn. Anh Chấn khai hôm xảy ra vụ án, anh có đi lấy nước cho vợ vào khoảng 19 giờ.
Từ lời khai này, toà cho rằng chậm nhất là 19 giờ 15 bị cáo Chấn đã phải về tới nhà nhưng theo nhân chứng khai thì 19 giờ 30 Chấn vẫn múc nước ở nhà chị Viển, gần nhà chị Hoan.
Vậy khoảng thời gian hơn 20 phút (từ 19 giờ 05 đến 19 giờ 25) Chấn đi đâu, làm gì, với ai? Toà án cho rằng điều này Chấn không chứng minh được. Mà chính thời điểm đó chị Hoan bị giết.
Đáng lưu ý, toà căn cứ vào lời khai của nhân chứng là chị Viển rằng Chấn múc nước ở nhà chị lúc 19 giờ 30 để buộc tội Chấn nhưng lại bỏ qua những nhân chứng khác. Cụ thể, chồng chị Viển khẳng định Chấn đến múc nước là 20 giờ kém.
Cũng tại Toà, chính chị Viển lại khai đồng hồ nhà chị hôm đó hết pin. Trong khi đó, bà Phạm Thị Nhâm - 60 tuổi ở thôn Me có giấy xác nhận “19 giờ 20 tối hôm đó tôi ra quán nhà anh Chấn để mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện và chính anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó có ông Quyền mua mắm cũng biết”.
Bảng kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại của nhà anh Chấn cũng thể hiện cuộc gọi đi số 566075 của anh Thực ngày 15/8 gọi từ 19: 19’51 đến 19: 20’31. Vậy nếu thời gian chị Hoan bị giết là từ 19 giờ 05 đến 19 giờ 25 thì thời điểm này bị cáo Chấn đã ở tại quán bán hàng của nhà mình.
Như vậy thời gian Chấn múc nước ở nhà chị Viển mà nhân chứng nêu chỉ mang tính ước lượng, chưa chính xác.

Bị ép nhận tội?

Toà kết luận Chấn giết chị Hoan là vì “bị cáo tự thú, tự khai ra hành vi phạm tội của mình, trước tòa, y còn nhận thức được tội giết người là phải chịu hình phạt cao nhất”, cũng chưa có cơ sở và không hợp lý.
Trong hồ sơ thể hiện, vụ án xảy ra ngày 15/8/2003 sau đó Chấn có bị CA gọi đến làm việc và có biên bản các ngày 30/8, 24/9, 25/9 và 27/9. Đến tận ngày 27/9 (sau khi xảy ra vụ án 42 ngày) trong bản tường trình viết tay của mình, Chấn vẫn không hề nêu việc liên quan đến vụ án. Nhưng đến ngày hôm sau (28/9/2003), Chấn có tờ tự thú.
Tuy nhiên sau đó, tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm và đến nay khi đã phải thi hành án gần 3 năm, bị cáo một mực kêu oan, không nhận tội giết chị Hoan.
Về tờ tự thú của mình, tại toà cũng như trong những lá đơn kêu oan sau này Chấn đều khẳng định mình đã bị dọa nạt, đánh đập đến mức buộc phải nhận tội để chờ ngày ra toà kêu oan.
Bỏ qua chứng cứ quan trọng nhất
Đặc biệt, theo biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án thì có rất nhiều dấu vết như: Nhiều dấu vết chân dưới sàn nhà, dấu tay có vết máu trên cửa và  dấu vân tay trên chiếc gối đậy mặt chị Hoan, vân tay trên cánh cửa, thanh sắt cài cửa hậu, trên công tắc điện… Nhưng những vân tay, vết chân trên hiện trường với vân tay, vết chân của bị cáo lại không được đánh giá và kết luận một cách minh bạch.
Tại phiên toà phúc thẩm, sau khi luật sư nêu vấn đề này thì được toà cho biết: “So sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của 2 dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường vụ án”.
Gần đúng nghĩa là chưa đúng. Vậy còn dấu vân tay thì sao? Đây sẽ là chứng cứ  quan trọng, đáng tin cậy nhất vì sao cơ quan điều tra có thể bỏ qua và kết luận Chấn đã giết người?
Tòa cho rằng: “Bị cáo không đưa ra được những chứng cứ để chứng minh cho hành vi không phạm tội của mình, lời nại của bị cáo tại phiên toà chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự”.
Điều 63 Bộ Luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ: “Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, ai là người phạm tội…”. Vì thế nghĩa vụ chứng minh không thuộc về bị cáo mà là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Ai là thủ phạm đã giết chị Hoan? Chấn có phải là thủ phạm giết chị Hoan hay không? Câu hỏi này vẫn chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan pháp luật.
Nhóm PVPL