Trang chủ

     

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

“MẶT XẠ ĐẬP” - Tuyết Nhung

Day_cuoi_cho_quan_chuc

- Gần đây, các cơ quan công quyền cũng như báo chí bàn luận đến chuyện cán bộ, công chức mà không biết cười sẽ bị sa thải. Xem ra văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức đối với dân đang ngày càng xuống cấp. Khi có chức quyền trong tay, con người ta như lột xác, mà cái sự lột xác thấy rõ nhất là ở thái độ hành xử với mọi người dưới quyền mình.


Hồi nhỏ, mỗi lần thấy tôi xị mặt ra là y như rằng cha tôi sẽ chửi: “Mi ám cái nhà này à ? Lúc nào cũng vác cái mặt xạ đập rứa, thằng tê ?

Tôi chẳng hiểu “mặt xạ đập” là cái mô tê gì, nhưng chắc chắn là xấu rồi, bởi có xấu thì cha tôi mới chửi thế. Nhưng tôi vẫn chưa chịu, muốn tìm hiểu xem “mặt xạ đập” ngang dọc nó như thế nào. Bèn giở từ điển ra tra. Ôi cơ man những mặt, nào là mặt sưng mày sỉa, mặt sứa gan lim, nào là mặt nạc đóm dày, mặt trơ mày trẽn… tịnh không tìm thấy “mặt xạ đập”. Té ra đây là tiếng quê mình, có soi kính hiển vi cũng không tìm thấy trong từ điển “trung ương” ?
Bây chừ, sau mấy mươi năm làm người nhà nước, tôi mới hiểu thế nào là “mặt xạ đập”, không phải giải thích bằng ngôn từ mà là trực quan sinh động từ cuộc sống. Hèn chi, các cụ xưa cứ thích ví “mặt xạ đập” đến thế.

Cả đời làm công chức của tôi gắn bó mỗi cơ quan, dân gian gọi là ăn dầm nằm dề đấy. Người ta chạy ngược chạy xuôi, nhảy hết chỗ nọ đến chỗ kia, tìm bến đậu tốt nhất, còn tôi thì yên vị, ngây thơ tin cuộc đời bình an.

Có lẽ tôi là một điển hình cho cái thứ văn hóa ưa tĩnh tại của ông cha.

Ba mươi mấy năm, gần trọn một đời làm công ăn lương, tôi đã và đang trải qua nhiều triều đại. Nói triều đại cho oai chứ đấy là các đời sếp. Sếp nào cũng để lại ấn tượng, hay ho có mà dở cũng có.
Có vị mặt lúc nào cũng hằm hằm, tròng trắng mắt vằn những tia đỏ. Mọi người gặp cứ phải là lo mà cất tiếng trước, thế mà nhiều khi ổng cũng chẳng buồn đáp lại. Mấy anh em trẻ nói, gặp sếp cứ thấy sờ sợ là. Tôi bảo, việc gì phải sợ, tính ổng vậy chứ nỏ có chi mô.

Nói thế chứ mỗi lần gặp sếp, từ đằng xa tôi cũng phải chuẩn bị tư thế để chào rồi. Nhưng không hiểu sao, lần nào cũng vậy, chưa kịp xáp mặt ổng thì trong đầu tôi đã dội lên ba tiếng : “mặt xạ đập”. Cho đến khi bóng sếp đã khuất rồi, vẫn còn vang vọng trong đầu, “mặt xạ đập, mặt xạ đập”.
Rồi, mấy năm sau, ổng về hưu, chẳng còn cái dư âm “mặt xạ đập” nữa. Đầu óc tôi tự nhiên thấy nhẹ nhõm như vừa gỡ được một khối u đeo bám. Đến cơ quan mỗi ngày, dường như ai cũng cảm thấy mọi vật có vẻ sáng sủa hơn, gặp nhau đã thấy tươi những nụ cười. Cuộc đời vẫn đẹp sao !
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cơ quan có sếp mới. 

Từ ngày lên sếp, bỗng dưng lão thành người xa lạ. Cái mặt đã choắt bây giờ lại nghênh lên, cặp kính cận trễ xuống, chẳng ra vênh mà cũng chẳng ra váo, thật không giống ai. Anh em gặp chào, lão cũng không buồn đáp lại, hình như lão không thấy thì phải, mọi người bảo thế. Ở đời, có đi có lại mới toại lòng nhau. Câu chào, nhiều khi tuy chỉ là xã giao nhưng cũng phải thế mới phải. Một lần, hai lần. Nhiều lần lặp lại cái sự vô minh ấy, mọi người đâm chán, không thèm chào nữa. Thành ra, gặp sếp mà cứ như gặp kẻ xa lạ ngoài đường, ngoài chợ.

Buồn cười nhất là chuyện ông bạn tôi kể mấy lần thấy sếp từ đằng xa, bỗng nhiên sếp đột ngột rẽ lối. Lúc đầu không để ý, cứ tưởng sếp đi đâu, sau mới té ngửa ra là sếp tránh mặt. Lục lọi  trong kí ức, bỗng nhớ ra có lần, đã lâu lắm rồi, trong một cuộc duyệt đề tài khoa học, sếp lúc ấy đang là phó chủ trì cuộc họp, lớn tiếng đòi chỉnh sửa tên đề tài của người khác, cho dù không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Sửa đúng thì chẳng nói làm gì, đằng này lại sửa sai mới ức chứ. Ông bạn không kìm được xúc cảm, bèn đứng dậy đập bàn một cái, thẳng thừng phản bác lại sếp khiến mọi người há hốc miệng, ngơ ngác nhìn. 

À, ra là thế. Làm sếp mà cứ để bụng, cứ hằn học để rồi không dám đối mặt với nhân viên, dù là gặp nhau bên lề, thì than ôi, bất hạnh cho cơ quan mình quá !

Từ khi sếp lên chức, đầu óc tôi lại ong ong bởi cái điệp khúc “mặt xạ đập” mỗi lần (dù rất ít ỏi) được diện kiến sếp. Cũng may là sếp ít khi hạ phóng xuống các phòng ban, suốt ngày chỉ thấy ngồi lì trong phòng, chả ai biết sếp đang lo nghĩ việc đại sự của cơ quan hay là lên mạng ngắm mấy em cởi áo tụt quần. Vả, chẳng dại gì mà tự nhiên vô cớ vào phòng sếp, không may gặp phải hoàng hậu nương nương, mặt lúc nào cũng hằm hè như sợ ai cướp giật, để rồi nhận một cái nguýt dài của mụ thì coi như toi, đừng hi vọng cuối năm nhận danh hiệu lao động tiên tiến.

Nhưng rồi vì công việc, cũng có lúc phải bước vào cái căn phòng thâm nghiêm ấy. Gõ cửa mấy lần mà vẫn không thấy sếp lên tiếng, tôi đánh liều đẩy cửa bước vào, chào sếp. Sếp giật mình như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang, không kịp giấu tang chứng vật chứng. Trên màn hình máy tính đang diễn ra cảnh tượng sôi động, những tiếng rên rỉ dù đã hãm âm hết cỡ nhưng vẫn còn nghe rõ. Nhìn cái bộ dạng sếp lúc đó thật tội nghiệp. Tôi giả tảng lờ.

Sếp hỏi:

- Có việc gì không ?

Tôi chìa tờ giấy ra. Sếp liếc qua rồi đặt bút kí liền, nhanh như chớp. Tôi cũng nhanh như chớp cầm lấy tờ giấy lao ra khỏi phòng sau khi nói hai tiếng cảm ơn cho phải phép. Cảm giác ngột ngạt tan biến. Tôi cố hít một hơi thật dài để tận hưởng cái không khí trong lành của đất trời lúc đó.

Năm năm cho một nhiệm kì. Trong hoàn cảnh hiện tại của cơ quan, thì đó quả là một sự thử thách ghê gớm về tâm lí đối với hàng trăm con người có học vấn mà lẽ ra phải được sống và làm việc trong một môi trường nhân ái. Cơ quan cũng như gia đình, gương mặt ông bố bà mẹ quan trọng lắm. Sếp là hình ảnh biểu tượng của cơ quan; phong độ, đàng hoàng thì cơ quan được nhờ, còn không thì hãm. Huống chi là các vị lại mang cái “mặt xạ đập” thế kia. Bây chừ ngẫm lại, có thời cơ quan mỗi năm hai ba vị cùng từ biệt thế giới, bởi không tai nạn thảm khốc thì cũng bệnh tật hiểm nghèo, làm mọi người phát hoảng. Ai cũng bảo, số sếp sát anh em. Còn sếp đương nhiệm, tuy không phải là “sát thủ” nhưng lại hãm tài cơ quan, không khí làm việc lúc nào cũng u ám, nặng nề. Công sở mà như chùa Bà Đanh. Buồn thay !

Và cứ thế, cái điệp khúc “mặt xạ đập, mặt xạ đập” lại ong lên trong đầu tôi mỗi lần gặp sếp. Ngẫm mà tủi cho cái số hẩm hiu của mình. Nhưng lại thương cho cơ quan nhiều hơn.

Bao giờ đầu óc tôi được “giải phóng” để không còn cái “giai điệu” buồn “mặt xạ đập, mặt xạ đập”; để nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những đồng nghiệp của tôi ?

Tuyết Nhung