Vài
mươi năm trước khi phong trào còn đang ở thời kì đỉnh cao, năm nào các
cơ quan, đoàn thể, địa phương cũng có vài ba cuộc phát
động thi đua. Khí thế ra quân ngút
trời. Băng cờ, biểu ngữ đỏ rực khắp nơi. Các đơn vị thi nhau hô quyết
tâm thư. Trong lòng mọi người, ai ai cũng hừng hực, tim như có lửa. Tổng
kết phong trào, vì thế, gương mặt anh hùng phần lớn là những người lặn
lộn, gắn bó sống chết với cơ sở.
Bẵng
đi một dạo, chuyển sang thời kinh tế thị trường, người người, nhà nhà
mải lo chuyện làm ăn, lợi lộc; phong trào thi đua tự nhiên cũng teo dần,
quên lãng. Chẳng còn cảnh tụ tập hàng trăm người hô khẩu hiệu quyết
tâm. Hàng quí, hàng năm, người ta chỉ cần lích chuột, mở bản báo cáo cũ,
sửa ngày tháng năm, chỉnh một vài chỉ tiêu là có ngay bản chương trình
hành động thi đua hoành tráng. Rồi cũng bằng vài cú lích chuột, người ta
lại có bản báo cáo tổng kết mà bất cứ lãnh đạo nào dù khó tính đến mấy
cũng cảm thấy sung sướng và hãnh diện trước thành tích sáng chói của đơn
vị mình. Những cuộc họp bình xét thi đua cuối kì, cuối năm cứ như là
trò diễn. Nhìn vào danh sách khen thưởng bao giờ cũng thấy tên các sếp
đứng đầu. Đố anh nào ngồi họp đủ can đảm mà bày tỏ chính kiến. Vả thời
buổi này, chả ai dại gì, khéo chiều thì mình cũng có phần. Thế là tất
tần tật các sếp từ to đến nhỏ, lần lượt chia chác các danh hiệu thi đua.
Thì còn ai vào đó nữa. Dự họp toàn là thành phần tinh túy, cốt cán của
đơn vị, ai cũng có phần.
Chả
thế mà ở cơ quan nọ, có vị lãnh đạo vừa mới bị cấp trên kỉ luật cảnh
cáo toàn miền thế mà cuối năm vẫn “khiêm tốn” nhận hết các danh hiệu:
đảng viên xuất sắc, chiến sĩ thi đua…Cuộc họp do ông chủ trì, bố anh nào
dám to gan mà phản đối. Chỉ đến khi dân tố, sự thật mới bị phanh phui,
thế mà sếp vẫn cứ leo lẻo: tôi có nhiều công lao đóng góp, tôi xứng đáng
được khen thưởng (!). Liêm sỉ được như ông, thật không ai sánh bằng !
Lại
nhớ đến chuyện năm ngoái, trong số 60 anh tài của đất nước được vinh
danh là chiến sĩ thi đua toàn quốc thì có đến 59 vị quan chức. Dư luận
phản ứng rần rần. Những tưởng ngành thi đua khen thưởng sẽ rút kinh
nghiệm mà chỉ đạo các cấp khi bình xét phải nhớ câu “lộc bất tận hưởng”.
Thế nhưng…
Mới
đây thôi, Đà Nẵng tôn vinh 71 vị có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm
2012, trong số đó có đến 61 quan chức; chỉ có 10 người không có chức
tước gì ! Kể ra thì cũng tiến bộ hơn rồi đấy, vì đã có được dăm bảy bóng
dáng thường dân trong số những gương mặt “anh hùng”. Nhưng vẫn là “quan
quan thi đua”. Cục danh này, dễ gì các vị buông cho. Thế cho nên mới có thơ rằng:
Khen cho quan ấy mới tài
Mâm nào cũng thấy các ngài nhào dô
Làm thì bé, hô thì to
Thành tích khen thưởng giữ cho riêng mình
Quyền uy, tiền bạc, vinh danh
Quan ôm hết thảy, dân mình… đói meo !
Mâm nào cũng thấy các ngài nhào dô
Làm thì bé, hô thì to
Thành tích khen thưởng giữ cho riêng mình
Quyền uy, tiền bạc, vinh danh
Quan ôm hết thảy, dân mình… đói meo !
24-5-2013
Nguyễn Duy Xuân
Xem thêm : Dân trí
Nguyễn Duy Xuân