Gần
20% học sinh dự thi môn toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) lớp 9
của tỉnh Tây Ninh bị điểm 0. Một con số gây sốc không phải chỉ
Tây Ninh mà cho cả giáo dục nước
nhà. Chuyện này làm mọi người nhớ tới câu chuyện cách đây không lâu,
trong kì thi học sinh giỏi bậc PTTH của Thanh Hóa cũng có đến 58 bài thi
có dấu hiệu đánh dấu bài tập thể. Hai sự việc đều cùng bản chất: bệnh
sĩ ! Tuyển chọn “nhân tài” theo định hướng như thế thì thật không hiểu
giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu ?
Trong
số 14 HSG bị điểm không nói trên ở Tây Ninh, có cả những em ở vòng thi
HSG cấp huyện thị chỉ đạt điểm 3/20 nhưng cũng được đưa vào đội tuyển
cho đủ…chỉ tiêu. Biết học sinh mình yếu kém mà vẫn đôn lên cho đi dự thi
HSG cấp tỉnh, đấy không phải là tắc trách. Xem ra bệnh thành tích cũng
giống như ung thư, đã di căn rồi. Vì nó đã chạy vào tim nên từ thầy cô
giáo trực tiếp giảng dạy đến lãnh đạo các cấp đã đánh mất cái tâm của
mình. Việc làm của họ vô hình trung lại gây hại cho học trò. 14 em mang
tiếng là HSG mà lại bị điểm 0 kia sẽ ra sao nếu các em và bạn bè biết
được sự thật này ?
Bệnh
thành tích là cha đẻ của chỉ tiêu, và chỉ tiêu là căn nguyên của sự dối
trá. Vì cái chỉ tiêu mà ngành giáo dục thị xã Tây Ninh bốc đại cả những
em yếu kém đi thi cho đủ số lượng 20 HSG được giao. Có nghĩa là để đạt
được chỉ tiêu, người ta sẵn sàng làm bậy dù biết thế là sai. 14 em bị
điểm 0 bởi các em không làm được gì cả, đành là thế nhưng những em còn
lại thì sao, những em đoạt giải ấy liệu có đúng thực chất là HSG thực sự
?
Không
chỉ có chỉ tiêu HSG, ngành giáo dục còn hàng chục, hàng trăm chỉ tiêu
khác. Chỉ tiêu xếp loại học sinh, chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu tốt nghiệp,
chỉ tiêu giáo viên giỏi…Để đạt các chỉ tiêu ấy ai cũng hiểu là phải
bằng sự nỗ lực phấn đấu trong dạy học của thầy và trò. Nhưng thực tế cho
thấy, không phải ai và ở đâu cũng làm được như thế. Người ta cố đạt chỉ
tiêu bằng mọi cách. Đơn giản nhất, nhanh nhất, không phải nhọc công là
múa bút, cấy điểm, biến 0 thành 10, 10 thành trăm…để rồi có một bản báo
cáo đẹp với những con số như mơ. Cách thứ hai là đôn, đẩy, tạo nên giá
trị ảo như Tây Ninh vừa làm. Dù bằng cách nào thì cũng đều là sự phù
phép. Và người ta đã phù phép bao nhiêu năm nay. Làm sao tìm ra được giá
trị thực giữa một mớ bòng bong những số liệu giả và thành tích ảo kia ?
Để
giáo dục cất cánh, cần phải có một cuộc cách mạng thật sự, không chỉ là
việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa. Chừng nào còn sự sùng bái
thành tích, còn những chỉ tiêu ảo thì chứng đó còn sự giả dối. Và giáo
dục cứ thế, vẫn ì ạch trên con đường đi tới tương lai của mình.
29-4-2013
Nguyễn Duy Xuân