Trang chủ

     

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

VÌ SAO TRẦN LIỄU HẬN VUA TRẦN THÁI TÔNG ĐẾN CHẾT?

Tran_lieu_han_Tran_Canh

Như chúng ta đã biết Trần Liễu là thân sinh của Đức Trần Hưng Đạo, vị tướng tài ba lỗi lạc vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, người anh hùng đã có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên vào thế kỷ thứ 13. Trần Liễu có tư thù với người em ruột của mình là vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh mà trước khi chết ông đã trăng trối lại với con là Trần Quốc Tuấn, tức Trần Hưng Đạo: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Vì sao Trần Liễu thù hận người em của mình đến chết vẫn không nguôi? Có phải chính vì mối hận năm xưa, vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh đã lấy vợ của mình là bà Thuận Thiên chăng? Nhưng Trần Liễu cũng biết rằng chuyện bà Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông, những người trong cuộc đều là nạn nhân của sự xếp đặt này, kể cả Trần Liễu lẫn Trần Thái Tông. Chính vua đã phản đối bằng hành động bỏ cả kinh thành lẫn ngôi vua lên núi Yên Tử với ý định đi tu kia mà? Hơn nữa, sau khi Trần Liễu dấy quân chống lại triều đình, chính vua Trần Thái Tông đã đưa mình ra che chở cho ông để khỏi bị Trần Thủ Độ giết, rồi sau đó hai anh em đã tha thứ cho nhau. Vậy tại sao Trần Liễu muốn con mình cướp ngôi vua để trả thù?

Thân thế Trần Liễu

Trần Liễu sinh năm 1211, là con của Trần Thừa (1) và bà Lê Thị (2). Ông là anh lớn trong gia đình tám anh em: công chúa Thuỵ Bà (3), vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu (4), Trần Di Ái (5), công chúa Ngoạn Thiềm (6), công chúa Thiên Thành (7) và người em út là Trần Bá Liệt (8). Về con cái, theo các nguồn sử liệu thì Trần Liễu có nhiều con nhưng chỉ có 5 người được nhắc đến (9): Trần Tung (10), Trần Quốc Tuấn (11), Trần Quốc Doãn (12), Trần Quốc Khang (13) và Trần Thị Thiều (14).
Trong đời mình, Trần Liễu được ban nhiều chức tước khác nhau. Tước đầu tiên là Phụng Càn vương, Trần Liễu được ban tước này vì ông lấy công chúa Thuận Thiên con vua Lý Huệ Tông. Đến năm 1228, ông được phong chức Thái Uý (15). Năm 1234 khi Trần Thừa mất, Trần Liễu được vua ban tước Hiển Hoàng vương (16), nhưng hai năm sau, năm 1236 ông bị giáng xuống làm Hoài vương vì dính vào “vụ án thông dâm” với một cung nhân nhà Lý (17). Sau vụ đem quân chống lại triều đình và thoát chết năm 1237, Trần Liễu có tước Yên Sinh vương vì ông được cắt đất phong làm thang ấp ở vùng Ngũ Yên (18), có tên là Yên Phụ, Yên Sinh, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang. Sau khi mất, ông được vua ban tước Khâm Minh Từ Thiện Đại vương.

Sóng gió nổi lên trong hoàng cung

Năm 1237, mặc dù lấy nhau đã 12 năm nhưng vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn chưa có con (19). Triều đình lo cho hậu vận nhà Trần (20) có thể bị mất ngôi vua như nhà Lý; do không có con trai nối dõi nên ngôi vua từ nhà Lý rơi vào tay nhà Trần. Biết công chúa Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu đang có mang 3 tháng, Trần Thủ Độ (21) bàn với Trần Thị Dung (22) đưa Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông, ép vua lấy chị dâu mình và lập làm hoàng hậu, phế vợ là hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Vua Trần Thái Tông phản đối kịch liệt, nửa đêm cùng với hai cận thần là Trần Thiêm(23) và Trần Khuê Kình (24) trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Gặp Quốc sư Phù Vân là bạn của mình, nhà vua bày tỏ ý định muốn nương nhờ cửa Phật. Quốc sư trả lời rằng :“Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta”. Quốc sư và vua đàm đạo về Phật pháp chẳng được bao lâu thì Trần Thủ Độ và quân lính tìm tới. Thủ Độ cùng mọi người ra sức khuyên vua sớm trở lại cung nhưng vua không nghe. Thủ Độ cương quyết với nhà vua rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi chỉ cho quân lính chỗ xây các cung điện. Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.
Nói về Trần Liễu, vì uất ức bị mất vợ, ông thừa dịp khi Trần Thủ Độ đưa quân đi tìm vua Trần Thái Tông mà không lo chuyện phòng bị, liền đưa quân đánh chiếm kinh thành. Nhưng Trần Liễu không liệu trước được rằng Trần Thủ Độ là người mưu kế và đã sắp đặt mọi chuyện ở nhà cho các tướng khác. Khi Trần Liễu cùng với quân lính đang trên đường đến đánh kinh thành thì bị quân triều đình bao vây.
Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi cái chết,  Trần Liễu nghĩ tới vua Trần Thái Tông, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Thái Tông mới có thể cứu ông trong lúc này. Trần Liễu đã ngầm cho người hẹn với vua Trần Thái Tông đúng giờ bơi thuyền ngự ra sông Cái (25) cứu mình. Khi vua Trần Thái Tông đến, Trần Liễu giả làm người đánh cá đến thuyền vua xin hàng. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tông lấy thân mình che chở cho Trần Liễu nên Trần Thủ Độ không làm gì được. Trần Thủ Độ tức lắm nên ném gươm xuống sông và nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?” 

Đâu là nguyên nhân chính của mối hận này?

Sau khi được vua Trần Thái Tông cứu thoát chết bên sông Cái, binh lính của Trần Liễu đã bị giết chết (26). Riêng Trần Liễu, nhờ có thêm sự hoà giải của bà Trần Thị Dung mà ông và vua Trần Thái Tông đã tha thứ cho nhau và tình cảm anh em trở lại như xưa, như chính sử đã ghi. Thế nhưng tại sao trước khi chết Trần Liễu trăng trối với con mình :“Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.” Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Phải chăng có điều gì ẩn khúc bên trong?
Thiết nghĩ, để tình cảm anh em có được như xưa, phải chăng Trần Thái Tông đã hứa với anh mình rằng, cho dù Trần Thủ Độ có bắt vợ của anh làm vợ mình, ở trong cung ông vẫn giữ khoảng cách giữa chị dâu và em chồng? Có lẽ Trần Thái Tông đã hứa với Trần Liễu là sẽ không phạm tới thân thể của chị dâu nên Trần Liễu mới hứa sẽ tha thứ và bỏ qua cho vua Trần Thái Tông chăng? 
   
Thế nhưng sau khi hoàng hậu Thuận Thiên sinh Trần Quốc Khang, đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục đẻ thêm những người con khác với vua Trần Thái Tông như Trần Hoảng (27), Trần Quang Khải (28), Trần Nhật Vĩnh (29), và Trần Ích Tắc (30). Phải chăng đây chính là nguyên nhân sâu xa của mối hận này? Có thể đây là nguyên nhân chính làm cho Trần Liễu vẫn còn hận em mình cho đến chết vì ông cho rằng cái lỗi này không còn là lỗi của Trần Thủ Độ nữa mà là do đứa em trai mình, tức vua Trần Thái Tông đã không giữ được tình chị dâu với em chồng như đã hứa với Trần Liễu.

Đinh Ngọc Thu
25-09-2008

Ghi chú:

(1) Trần Thừa:  sinh năm1184, mất ngày 18-1-1134, ông là con của ông Trần Thủ Lý và bà Tô Phương Lan (em gái Tô Trung Từ). Trần Thừa có hai người em là Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung. Ông được con là vua Trần Thái Tông tôn làm thượng hoàng mặc dù ông chưa từng làm vua ngày nào.
(2) Lê Thị: sử sách không nói rõ tên của bà, chỉ gọi là Lê Thị. Sau khi Trần Cảnh lên ngôi vua, ông tôn bà làm Quốc Thánh hoàng thái hậu, có sách chép là Bảo Thánh Quốc mẫu. Bà mất tháng 9 năm 1230, được truy tôn làm Thuận Từ hoàng thái hậu.
(3) Công chúa Thuỵ Bà: chính sử ghi là công chúa Thuỵ Bà nhưng gia phả Trần tộc viết là công chúa Thúy Ba, có sách ghi là Thuỵ Ba. Bà là mẹ nuôi của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Khi Trần Liễu và Trần Cảnh xảy ra chuyện, Trần Liễu bị đày đi Ngũ Yên thì Trần Quốc Tuấn khoảng 7 tuổi. Thương cháu còn nhỏ nên bà xin em là vua Trần Thái Tông để được nhận Quốc Tuấn làm con nuôi. Lúc đầu tránh sự soi mói của triều đình nên bà gửi Quốc Tuấn vào chùa Phật Quang nhờ sư trụ trì dạy dỗ, sau đó đưa trở lại kinh thành để lo cho ăn học.
(4) Trần Nhật Hiệu: em vua Trần Thái Tông. Năm 1257 khi Nhật Hiệu đang giữ chức Thái uý, thế giặc rất mạnh, vua Trần Thái Tông hỏi ông nên làm gì, ông đã chấm nước viết lên mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”, có ý khuyên vua nên đi theo Tống.
(5) Trần Di Ái: tức Trần Ải, em vua Trần Thái Tông. Năm 1281, Trần Di Ái được vua cử làm chánh sứ trong sứ đoàn đi gặp nhà Nguyên nhưng qua bên đó ông đã nhận sắc phong của vua Nguyên là Hốt Tất Liệt, phong Di Ái làm An Nam Quốc Vương và cho Sài Xuân (Việt Nam Sử Lược: Sài Thung) đem một ngàn quân hộ tống về nước. Vì là em vua nên Di Ái không bị tội chết mà chỉ bị đày đi làm lính ở Thiên Trường.
(6) Công chúa Ngoạn Thiềm: chính sử ghi là Ngoạn Thiềm như gia phả Trần tộc ghi Ngoạn Thiên. Bà được Trần Thủ Độ gả cho Nguyễn Nộn (một sứ quân nổi dậy chống lại triều đình) để dò la tin tức. Nguyễn Nộn biết được nên cho gia tướng canh giữ bà rất kỹ nên bà không thể báo tin cho triều đình.
(7) Công chúa Thiên Thành: bà là vợ của Trần Hưng Đạo. Mặc dù là cô cháu nhưng hai người cùng lứa tuổi và cùng chơi với nhau khi còn nhỏ và lớn lên trong cung nên nảy sinh một mối tình thầm kín. Tháng 1-1251, vua Trần Thái Tông đem công chúa Thiên Thành gả cho Trung Thành vương. Trước ngày cưới, công chúa Thiên Thành được đưa về phủ của Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương). Nửa đêm, Trần Quốc Tuấn trèo tường lẻn vào gặp và thông dâm với công chúa. Nhờ công chúa Thuỵ Bà là mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn gõ cửa kêu vua Trần Thái Tông đến kịp cứu, nếu không Trần Quốc Tuấn có thể bị gia nhân Nhân Đạo vương giết mà không bị tội gì.
(8) Trần Bá Liệt: con của Trần Thừa với người con gái ở thôn Bà Liệt bị ông ruồng bỏ trước đây, sau được Trần Thừa nhận làm con và năm 1232 được phong tước Hoài Đức vương. Không rõ tên thật của ông là gì, có người gọi là Trần Bá Liệt hay Bà Liệt, là quê quán mẹ ông. Gọi là con út vì ông được Trần Thừa nhận làm con sau cùng, chứ không chắc tuổi tác của ông nhỏ hay lớn hơn những người con khác.
(9) Các con trai của Trần Liễu xếp thứ tự lớn nhỏ theo tuổi tác như sau: 1. Trần Tung, 2. Trần Quốc Tuấn, 3. Trần Quốc Doãn. 4. Trần Quốc Khang. Xếp theo con trưởng con thứ: 1. Trần Quốc Doãn, 2. Trần Quốc Khang, 3. Trần Tung, 4. Trần Quốc Tuấn. Vì Trần Quốc Doãn là con trai đầu của ông Trần Liễu với bà vợ lớn là công chúa Thuận Thiên nên Trần Quốc Doãn mặc dù nhỏ tuổi nhưng được phong làm con trưởng. Sử sách xếp Trần Quốc Khang bên dòng con vua Trần Thái Tông, nhưng ông chính là con ruột Trần Liễu.
(10) Trần Tung: (1230-1291) ông được vua Trần Thái Tông ban tước Hưng Ninh vương. Chính sử Việt không nhắc gì đến Trần Tung, nhưng theo Nguyên sử và các nguồn sử liệu khác thì ông đã cùng với Hưng Đạo vương đem quân đánh một trận kịch liệt với tướng giặc Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy đến sông Như Nguyệt. Không biết mẹ ông là ai nhưng có giả thiết cho rằng ông và Trần Quốc Tuấn cùng mẹ. Trần Tung chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ, người đã khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đã để lại nhiều tác phẩm lớn về thiền học, văn học và thơ đầu thời Trần. Trần Tung còn được vua Trần Thái Tông kính trọng và vua Trần Nhân Tông xem ông như bậc thầy.
(11) Trần Quốc Tuấn: tước Hưng Đạo vương, tức Đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng của dân tộc ta. Ông là con của Trần Liễu với bà Trần Thị Nguyệt.
(12) Trần Quốc Doãn: được ban tước Vũ Thành vương. Ông là con của Trần Liễu với công chúa Thuận Thiên. Sau khi bà Thuận Thiên mất tháng 6-1248 và cha ông là Trần Liễu qua đời ngày 14-4-1251, biết mình thế cô nên tháng 7-1256 ông đã đưa gia thuộc chạy qua đất Tống nhưng đã bị thổ quan Tư Minh nhà Tống là Hoàng Bính bắt trao trả cho nhà Trần.
(13) Trần Quốc Khang: ông có tước Tĩnh Quốc vương. Về danh nghĩa ông là con vua Trần Thái Tông với hoàng hậu Thuận Thiên nhưng thật ra ông là con của Trần Liễu với bà Thuận Thiên. Con thứ của Quốc Khang là Chương Hiến hầu Trần Kiện có mâu thuẫn với con vua Trần Thánh Tông là Tá Thiên vương Trần Đức Việp. Trần Kiện được lệnh đóng giữ Thanh Hóa nhưng khi Toa Đô tới, Trần Kiện đem gia thuộc đầu hàng giặc và bị gia tướng của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô (có sách viết Nguyễn Thế Lộc) bắn chết.
(14) Trần Thị Thiều: bà chính là Thiên Cảm hoàng hậu, vợ của vua Trần Thánh Tông – Trần Hoảng. Bà là thân mẫu của vua Trần Nhân Tông, vua thứ ba nhà Trần.
(15) Thái úy: tương đương với chức “Tổng Tư Lệnh quân đội” ngày nay. Đây là một chức quan đứng đầu trong hàng tam công: Thái uý, Tư đồ, Tư không. Thời Trần, những chức vụ này thường được phong cho thân vương, nếu không kiêm chức tước khác thì chỉ để làm cảnh chứ không can dự vào chính sự.
(16) Có lẽ lúc đó Trần Thừa vừa mất nên vua Trần Thái Tông ban cho Trần Liễu tước này để tỏ lòng tôn kính anh cả của mình.
(17) Vụ án này như sau: tháng 6-1236, nước ngập tràn vào cung Lệ Thiên. Trần Liễu đi thuyền vào chầu, ngang qua cung Lệ Thiên thấy một cung phi triều Lý và đã hiếp bà. Có người nhìn thấy và hặc tấu nên ông bị giáng tước xuống làm Hoài vương. Nhưng chuyện này cũng có thể là do Trần Thủ Độ tìm cách hạ uy tín của Trần Liễu trước khi đem vợ ông về làm vợ vua vì theo sử sách ghi lại thì năm 1226 triều đình đưa các cung nhân, con gái trong họ hàng nhà Lý gã cho các tù trưởng người Man nên không còn cung phi nhà Lý sống trong cung.
(18) Ngũ Yên: là vùng biên giới phía Đông Bắc nước ta, thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Mặc dù Trần Liễu được cắt đất phong ở đây nhưng thật ra ông “bị đày” đến nơi xa hoàng cung, một phần là để không phải nhìn thấy cảnh vợ mình làm hoàng hậu và làm vợ em mình, hơn nữa cũng để tránh cho triều đình không phải lo lắng về việc Trần Liễu đứng lên chống lại triều đình lần nữa.
(19) Mặc dù vua Trần Thái Tông và bà hoàng hậu Chiêu Thánh sống với nhau đã 12 năm nhưng lúc đó Chiêu Thánh mới có 19 tuổi (bà sinh năm 1218) nên không thể nói là hai người sống với nhau lâu năm mà không con.
(20) Thật ra lúc đó vua Trần Thái Tông đã có với người thiếp của mình một con trai là Vũ Uy vương Trần Nhật Duy, nhưng vì Nhật Duy không phải là con của vua với hoàng hậu Chiêu Thánh, nên không phải cháu ngoại vua Lý Huệ Tông, vì vậy không thể thừa kế ngôi vua. Vì nhà Trần có được ngôi vua từ tay nhà Lý nên cháu ngoại của nhà Lý đưa lên ngôi vua mới có chính nghĩa, như Lý Đức Chính con của vua Lý Thái Tổ với hoàng hậu Tá Quốc, cháu ngoại vua Lê Đại Hành lên làm vua, tức vua Lý Thái Tông khi nhà Lý lấy ngôi vua từ nhà Lê.
(21) Trần Thủ Độ: là con của Trần Thủ Huy với công chúa Lý Đoan Nghi. Công chúa Lý Đoan Nghi là con của vua Lý Anh Tông với bà thần phi Bùi Chiêu Dương, nên Trần Thủ Độ là cháu ngoại vua Lý Anh Tông.
(22) Trần Thị Dung: là con gái ông Trần Lý với bà Tô Phương Lan. Trần Thị Dung là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh, bà còn là chị em chú bác với Trần Thủ Độ. Trần Thị Dung là cô ruột và cũng là mẹ vợ của vua Trần Thái Tông. Khi còn là vợ vua Lý Huệ Tông bà được phong làm Kiến Vũ hoàng hậu. Đến khi vua Lý Huệ Tông bị ép đi tu, bà bị giáng xuống làm công chúa Thiên Cực và được gả cho Trần Thủ Độ. Bà có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1257-1258) và được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ Quốc Mẫu.
(23) Trần Thiêm: là cháu gọi Trần Thủ Độ bằng bác, có thể Trần Thiêm là con của Trần Thủ Minh, em cùng cha khác mẹ với Trần Thủ Độ. Trần Thiêm được tuyển vào cung năm 1225 làm Chi Ứng cục (Chi Hậu cục) cùng đợt với Trần Cảnh (làm Chính Thủ) để hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
(24) Trần Khuê Kình: ông vừa là bạn, vừa là em họ của vua Trần Thái Tông.
(25) Sông Cái: tức sông Hồng hay Hồng Hà ngày nay. Nhiều người cho rằng sông Hồng có tên là sông Cái vì người Pháp đã phiên âm tên gọi sông này là Song-Koï, tiếng Việt đọc thành sông Cái nhưng không hiểu vì sao dưới thời nhà Trần, trước thời Pháp thuộc mấy trăm năm mà nó có cái tên này. Sông này được gọi là sông Hồng vì mùa lũ nước sông có nhiều phù sa nên có màu đỏ ngầu.
(26) Theo GS Trần Đại Sĩ thì Trần Hiến là người chỉ huy binh lính của Trần Liễu tấn công phủ thái sư Trần Thủ Độ. Sau khi Trần Liễu đầu hàng, toàn bộ binh lính dưới quyền của ông bị sát hại trong đó có vợ chồng Trần Hiến – Lê Thị Đạt. Thương cho tướng của mình bị giết, Trần Liễu đã đem con của hai người là Trần Tử Đức và Trần Ý Ninh về nuôi. Trần Ý Ninh chính là mẹ của Trần Quốc Toản.
(27) Trần Hoảng: (1240-1291) vừa sinh ra ông được lập làm thái tử. Sau lên làm vua, tức vua Trần Thánh Tông, vị vua thứ hai nhà Trần, ông là cha của vua Trần Nhân Tông.
(28) Trần Quang Khải: (1241-1294) ông có tước Chiêu Minh vương và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau trong đời. Trần Quang Khải là cha của Văn Túc vương Trần Đạo Tái. Trần Đạo Tái là ông nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Trần Nguyên Đán là ông ngoại của Nguyễn Trãi.
(29) Trần Nhật Vĩnh: chính sử chỉ nói ông được sinh ra chứ không nhắc nhiều về ông nhưng theo gia phả Trần tộc thì ông đã sang hàng giặc sau khi Trần Ích Tắc đưa gia thuộc của mình đầu hàng nhà Nguyên.
(30) Trần Ích Tắc: có tước Chiêu Quốc vương. Ông rất thông minh và có mộng làm vua nên khi giặc Nguyên đến, tháng 3-1285 ông đã đưa con trai là Nghĩa Quốc hầu Trần Dục và gia thuộc đầu hàng giặc Nguyên. Ông được vua Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Có lẽ vì vậy cho nên sử sách không ghi ngày sinh cũng như ngày mất của ông.

Tài liệu tham khảo:

- “Anh Hùng Đông A Dựng Cờ Bình Mông” của GS Trần Đại Sĩ.
- “Bão táp cung đình” của Hoàng Quốc Hải. NXB Thanh Niên phát hành thánh 12-2005.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển IV và V: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn thảo năm 1272 – 1697, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).
- Gia phả Trần tộc, do hậu duệ Trần Quang Khải ghi lại.
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – chính biên, quyển V và quyển VI, Quốc Sử Triều Nguyễn, biên soạn năm 1856-1881 và do Viện Sử Học dịch năm1957-1960.
- “Khoá Hư Lục” của Trần Thái Tông viết từ 1258-1277, phần “Thiền Tông Chỉ Nam”
- “Thượng Sĩ Ngữ Lục” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, do Trúc Lâm Sư Tổ Trần Nhân Tông biên soạn. Phần 3: “Hành trạng Tuệ Trung Thượng Sĩ.”
- Việt Nam Sử Lược, phần IV: tác giả Trần Trọng Kim.
- Ngoài các nguồn tài liệu kể trên, còn nhiều nguồn tài liệu khác được sử dụng trong bài viết này như: các bài tranh luận trên các Diễn đàn Lịch sử, Diễn đàn Sử học, Diễn đàn Viện Việt học…