Trang chủ

     

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

NHÂN TÀI KHÔNG CÒN ĐẤT ƯƠM - Nguyễn Duy Xuân

Hoi_tai_sao2
Chuyện thầy trò trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) nhiều năm liền đoạt giải cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” nhưng không lo đủ tiền để ra Hà Nội nhận giải được phản ánh trong một phóng sự truyền hình (VTV3) làm xúc động khán giả cả nước và những ai quan tâm đến nhân tài đất Việt. Những tưởng sau cái phóng sự đó, chính quyền địa phương ngộ ra để mà tự hào về con em mình, về những thầy giáo tâm huyết với khoa học vì lợi ích cộng đồng và sẽ đưa ra những chính sách hữu hiệu đối với việc ươm mầm tài năng của quê hương. Ai dè, Ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách lại quan tâm theo cách riêng của mình, có lẽ chưa có tiền lệ là chỉ thị bằng công văn yêu cầu chi bộ trường An Lạc Thôn kiểm điểm thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải và các trò vì “làm bẽ mặt” địa phương. Lí do đưa ra thật bất ngờ: thầy trò đã để lộ khó khăn về kinh phí đi nhận giải thưởng và nghi ngờ thầy Hải cho báo chí biết.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà khôi hài giữa cái kiểu tư duy và cách hành xử kì lạ này với cái tên huyện: Kế Sách. Chẳng biết ai khởi xướng ra cái “kế sách” đối xử với nhân tài kiểu ấy nhưng đây quả là tuyệt chiêu kéo lùi sự phát triển của xã hội chỉ vì cái danh hão của tổ chức và cá nhân ai đó. Có phải người ta đã biết xấu hổ vì địa phương không lo nổi vài chục triệu đồng cho thầy trò ra thủ đô nhận giải chăng ? Không ! Vài chục triệu có khi chỉ bằng một bữa nhậu cuối tuần của các vị. Vấn đề là ở chỗ khác. Chẳng ai bảo địa phương không quan tâm đến thầy trò An Lạc Thôn. Chính thầy Hải cũng đã tâm sự: “Chúng tôi vẫn luôn biết ơn nhà trường và chính quyền địa phương đã giúp đỡ rất nhiều, vì trong nghiên cứu khoa học, sự giúp đỡ về tinh thần không thua vật chất”. Nhưng một khi thầy trò phải tự lo kinh phí, chạy ngược chạy xuôi xin tài trợ, rồi thì sự việc được truyền hình phản ánh, dù rất đúng đắn là biểu dương tinh thần say mê khoa học của thầy và trò nhưng các vị lại bị chạm nọc. Cục sĩ nổi lên chèn ngang cổ họng. Thế này thì không thể được. Ai lại đi làm bẽ mặt huyện nhà chỉ vì vài chục triệu thế ? Trị ! Trước mắt cho kiểm điểm ngay vì cái tội “làm bẽ mặt” ấy, mặc dù người ra chỉ thị có lẽ cũng chẳng hiểu thầy trò An Lạc Thôn làm bẽ mặt huyện cái gì ? Còn thầy Hải và các trò sẽ viết kiểm điểm sao đây ?

Với lối tư duy và hành sự kiểu ấy thì giáo dục làm sao mà phát triển chứ nói gì đến chuyện ươm mầm tài năng ? Nhân tài vừa ló dạng đã bị thui chột bởi những “Kế Sách” lạ lùng đó.
Mong rằng Ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách ngẫm lại, thay cái chỉ thị kì quặc kia bằng một lời khen ngợi, như thế cũng đủ cho thầy trò An Lạc Thôn ấm lòng, toàn tâm cống hiến cho khoa học và tất nhiên, dư luận sẽ nhiệt liệt hoan nghênh các vị.

5-6-2012
Nguyễn Duy Xuân 

Bài đăng trên báo Tiền phong:

TP - Chiều 4-7, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, đang rất hoang mang lo lắng về việc lãnh đạo huyện yêu cầu kiểm điểm vì “làm bẽ mặt” địa phương, trong lúc trước nay thầy luôn làm và nói tốt về địa phương.
Ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách có công văn yêu cầu chi bộ trường An Lạc Thôn kiểm điểm thầy giáo Hải vì “làm bẽ mặt” địa phương. Đến nay, thầy Hải mới gửi tường trình dài 5 trang cho trường mà chưa có cuộc họp kiểm điểm nào diễn ra. Thầy cho biết đang bị “sốc”.
Tại cuộc thi quốc gia có tên Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, thầy Hải cùng 3 học trò trường THPT An Lạc Thôn đoạt giải nhất lần đầu vào năm 2007 với đề tài “Gòn-bông băng cho nước nhiễm dầu”, lần thứ hai vào năm 2011 với đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”.
Sự khác biệt của hai đề tài, lần đầu chỉ thu giữ được dầu trên mặt nước đang chảy, lần sau thu giữ được dầu trên mặt nước ở mọi trạng thái.
Khi đoạt giải, thầy trò và nhà trường đều nghèo, không có tiền đi nhận, ban tổ chức lại không tài trợ. Năm 2007, Hiệu trưởng lúc đó là thầy Nguyễn Văn Xanh đã chủ động đi xin nhiều nơi trong tỉnh được 34 triệu đồng cho thầy trò An Lạc Thôn ra Hà Nội nhận giải.
Năm 2011, thầy Hải được một số phụ huynh học sinh giúp đỡ tiền mua vé tàu hỏa ra Hà Nội, giữa đường lại được Ngân hàng Việt Nam Thương Tín đồng ý tài trợ toàn bộ kinh phí.
Sau đó, đề tài nghiên cứu của thầy trò An Lạc Thôn được chọn thay mặt Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Thụy Điển nhưng xin nhiều nơi không có tiền, thầy Hải đã viết thư tiếng Anh gửi ban tổ chức từ chối tham dự thì được Tập đoàn Viettel tài trợ. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng tặng 25 triệu đồng, các cơ quan huyện tặng 4,5 triệu đồng.
Chuyến đi Thụy Điển vì quá cập rập, sau khi làm visa chỉ còn 2 giờ đồng hồ chuẩn bị, thầy trò An Lạc Thôn không đưa được thảm vỏ tràm theo nên chỉ thắng các nước khác về ý tưởng mà thua về mô hình và thuyết trình.
“Dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí trong các lần đi nhận giải nhưng thầy trò chúng tôi vẫn luôn biết ơn nhà trường và chính quyền địa phương đã giúp đỡ rất nhiều, vì trong nghiên cứu khoa học, sự giúp đỡ về tinh thần không thua vật chất”, thầy Hải tâm sự.
Tuy nhiên, cũng chính vì thế, sự chỉ đạo kiểm điểm lại khiến thầy trò An Lạc Thôn hoảng sợ và đang lo đề tài nghiên cứu hiện nay khó thành công.
Lý do chỉ đạo kiểm điểm thầy trò An Lạc Thôn lại từ một phóng sự đài truyền hình để lộ khó khăn kinh phí nhận giải thưởng và nghi ngờ thầy Hải cho báo chí biết.
Trong phóng sự, có hình ảnh vợ một cán bộ cao cấp quân đội ở Hà Nội, nhiều năm nay thương thầy trò An Lạc Thôn thông minh mà nghèo khó nên đã giúp đỡ. Khi trả lời phóng viên đài truyền hình, phu nhân cán bộ cao cấp giàu tình cảm vừa kể vừa khóc về thầy trò An Lạc Thôn.
“Thấy bà kể và khóc tôi cũng bất ngờ”, thầy Hải nói, “nhưng vẫn không ngờ lại dẫn tới chuyện kiểm điểm trong lúc trước nay tôi chưa hề kể chuyện khó khăn kinh phí đi nhận giải thưởng với nhà báo nào”.