Trang chủ

     

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

THƯƠNG LẮM, RỪNG ƠI ! - Nguyễn Duy Xuân

Pha_rung

Ba cây sưa to hơn hay là ba cây kim to hơn ? Câu hỏi tưởng ngược ngạo nhưng lại chẳng ngược tí nào. Cây kim trong bọc còn có ngày lòi ra. Thế mà ba cây sưa to đùng, nằm cheo leo trên sườn núi hiểm trở giữa rừng quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ rầm trời, tẩu tán khỏi rừng ngay trước mặt cơ quan chức năng, kiểm lâm và chính quyền địa phương mà vẫn không ai hay biết ?

Không chỉ vụ ba cây sưa ở Phong Nha-Kẻ Bàng mà hàng trăm, hàng ngàn vụ phá rừng khác, khi bể mánh người ta viện đủ lí do, nào địa bàn rộng, lực lượng mỏng, nào lâm tặc tinh vi xảo quyệt… Mà lâm tặc phá rừng nào có phải ở đâu xa, ngay sát đường lộ, trước mặt trạm kiểm lâm, bên hông ủy ban… Dàn cưa, xe pháo vào ra rần rần. Đúng là chúng xảo quyệt thật. Chẳng biết chúng có phép mầu gì mà làm cho ai nấy như bị mù, bị điếc.

Mới rồi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt 7 người trong vụ phá rừng lớn nhất tại địa phương này thì có đến ba cán bộ kiểm lâm, 2 cán bộ đại diện chủ rừng còn lâm tặc thì chỉ có 2. Năm vị cán bộ phá rừng thì toàn là trưởng trạm, trưởng ban. Các vị đó chắc không thể hành động đơn thương độc mã. Vậy thì trên và dưới các vị còn những ai ? Cả một hệ thống vào hùa với lâm tặc chăng ? Điều này chỉ có trời mới biết.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã nói rất chí lí: nếu không có kiểm lâm, rừng mất sạch từ đời tám hoánh, nhưng có họ, rừng mất từ từ cho đến ngày mất hết ! Quả không sai. Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học ở nơi có rừng bị hủy diệt, chắc chắn cứ một trăm người dân được hỏi thì có đến chín chín phết chín chín trả lời như vậy.

Lại nói về vụ ba cây sưa. Cho đến nay lực lượng chức năng đã 2 lần bắt được tổng cộng 9 phách gỗ sưa. Lần đầu thu được năm phách, lãnh đạo xuống tận nơi úy lạo, trao quà, tặng phong bì, ca ngợi như một chiến công hào hùng. Có người cười mỉa nói họ diễn nghề quá !

Báo Tiền phong ngày 12-5 đưa tin: hai hạt phó và một trạm trưởng kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị nghi tiếp tay cho lâm tặc.

Thế đấy ! Kẻ phá rừng nguy hiểm nhất, chẳng phải ai xa lạ.

Thế mà, khi mỗi vụ phá rừng rộ lên, không ai dám chỉ mặt đặt tên. Để rồi cuối cùng, máu của rừng vẫn chảy.
Thương lắm, rừng ơi !

12-5-2012
Nguyễn Duy Xuân