Trang chủ

     

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

MỘT LẦN TỚI BẢN ĐÔN - Nguyễn Duy Xuân

Buon-Don4
Chẳng quản đường sá xa xôi, hai vị “văn nhân” chính gốc “Quảng bọ” quê miềng đang dự trại sáng tác ở Đà Lạt bí mật “cóp” chút thời gian sang thăm thú Ban Mê.

Được tin báo của Trần Sùng (anh tên là Nguyễn Xuân Sùng nhưng tôi vẫn cứ thích gọi anh với cái biệt danh chẳng biết ai đã gắn cho từ cái thuở 16DK2 xa xôi), cả ngày mong đợi thấp thỏm. Mãi đến bốn giờ chiều mới gặp mặt. Cuộc hội ngộ hiếm hoi sau ba mươi năm xa cách. Lần gặp Trần Sùng gần nhất là mùa hè năm 1982 khi tôi về quê vợ ở Lệ Sơn lên thăm gia đình anh ở Mai Hóa. Từ đó biền biệt để bây giờ gặp lại nhau giữa đất Ban Mê.

Niềm vui như nhân lên gấp ba vì không chỉ gặp lại bạn cũ mà còn thêm bạn mới. Nhà văn Hoàng Minh Sơn vừa gia nhập lớp người “xưa nay hiếm”, ở số liệu tuổi tác thôi chứ trông anh còn phong độ lắm. Anh sang Ban Mê để gặp người đồng hương, đồng đội cũ một thời sống chết có nhau ấy là lão gia, cựu sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, trung tá Phạm Văn Phài. Ở gần bên nách (cách nhau chừng 2km) mà bây giờ tôi mới biết ông, một con người vui tính, thật yêu đời vì mới “bảy mươi sáu tuổi đầu”  thôi, như ông nói. Quả thực, ở đâu có lão gia là ở đó sôi nổi, xôm chuyện. Cuộc gặp đồng đội, đồng hương diễn ra thân thiết ngay tại nhà lão gia. Chén rượu mừng giây phút hội ngộ với biết bao kỉ niệm một thời trận mạc, gian khó. Lão bà bà chu đáo, đã chuẩn bị thức nhắm thật ngon. Món thịt chân giò luộc cắn một miếng ngập chân răng, làm các cựu chiến binh như sống lại kỉ niệm một thời của lính, còn tôi thì cứ ấn tượng mãi.

Lâu ngày gặp mặt mà thời gian cũng gấp gáp như thời ra trận ở Trường Sơn. Mười tám giờ đã có mặt ở nhà Nguyễn Duy Xuân để “chiến đấu” hiệp hai cho đến lúc trăng chớm ngọn sào mới kết thúc, dưỡng sức cho ngày mai vào trận mới, theo lệnh của trung tá Phài sau hai lần thay đổi quyết định.

Sáng hôm sau, cơm nước xong tôi đánh chiếc Ware hai chỗ, loại này thích hợp cho việc đi du lịch tầm trung vì thoáng mát, cơ động, chở Trần Sùng thăm thú Bản Đôn cho biết. Bởi đã thành lệ, đi Ban Mê mà không ghé Bản Đôn thì thế nào khi về chúng bạn cũng sẽ xúm lại nhạo cho: “Không đi không biết Bản Đôn, đi thì mới thấy cái… voi to”.

Ở Tây Nguyên đã ba mươi ba năm nhưng đây là lần thứ hai tôi mới đến Bản Đôn. Lần đầu cách đây đã non chục năm, cũng chỉ thoang thoáng qua thôi, tiện công tác ghé vào một tí nên chưa biết gì nhiều. Từ Buôn Ma Thuột vào Bản Đôn khá xa, trên bốn mươi cây số. Nhưng cả một quãng đường dài như thế mà tuyệt nhiên không thấy bất cứ một tín hiệu nào cho biết về khu du lịch nổi tiếng nhất Cao nguyên này. Không một tấm biển quảng cáo, ngay cả cái cột cây số, tôi theo dõi suốt dọc đường đi, tất cả đều bị mất hết chữ như đánh đố du khách từ  phương xa tới.

Bản Đôn theo tiếng Lào (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrêpôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú đầy bản sắc. Cư dân Bản Đôn ngày nay có sự lai tạp giữa người Êđê bản địa và người Nam Lào, họ thông thạo cả tiếng Lào và tiếng Thái Lan.

Chúng tôi rẽ vào khu du lịch thác Bảy Nhánh. Thời điểm này đã qua mùa lễ hội nên du khách cũng thưa thớt. Thật không may, khi chúng tôi đến thì thủy điện Sêrêpôk đang tích nước, lòng sông cạn, những bãi đá phơi mình dưới cái nắng tháng tư gay gắt. Thế cũng có cái hay của nó vì chẳng mấy khi đến Bản Đôn mà được thỏa thích đùa giỡn giữa lòng Sêrêpôk. Không được nhìn ngắm cảnh nước sông đục ngầu chảy xiết thì chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đá lòng sông, của những cây Gừa phô bộ rễ hàng trăm năm tuổi.

Đến Bản Đôn thú nhất là ngắm nhìn nhân vật vốn được coi là chủ nhân của đại ngàn. Càng thú hơn nữa khi được ngồi vắt vẻo trên lưng các ngài mà vượt sông Sêrêpôk sang bên kia rừng già, nơi cội nguồn của vạn vật. Voi Bản Đôn hiện giờ chỉ còn lại ba bốn chục con. Hồi chuông báo động đỏ về nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật quí hiếm này đã gióng lên từ lâu nhưng xem ra chẳng mấy hiệu quả. Các cá thể voi lần lượt bị giết bởi sự tàn bạo của con người vì những món lợi trước mắt. Gần đây nhất, tháng 1/2011, chú voi Păk Cú bị chém chết trong khuôn viên của Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn. Bọn voi tặc không từ mọi thủ đoạn độc ác như chặt chém, gí điện… để giết bằng được voi chỉ vì mấy cái lông đuôi. Ở trung tâm du lịch Bản Đôn hay ở thành phố Buôn Ma Thuột, vào bất cứ shop bán hàng lưu niệm nào bạn cũng có thể thấy hàng tá sản phẩm chế tác từ lông đuôi voi vì cái thị hiếu lạ kì của con người. Có bao nhiêu đồ trang sức kia như nhẫn đeo tay, giây đeo cổ được làm từ lông đuôi những con voi bị giết và trong số đó bao nhiêu cái là đồ giả đánh lừa sự nhẹ dạ cả tin của du khách ? Bất chợt nhìn cảnh những chú voi oằn lưng cõng trên mình ba bốn con người mà thấy chạnh lòng xót xa. Có phải người ta đang làm du lịch bằng mọi giá ? Có phải người ta đang vắt kiệt sức những chú voi hiền lành vì đồng tiền, vì sự hiếu kì đến nhẫn tâm ? Có cách gì để giải phóng sức lao động của loài vật đáng thương này mà vẫn khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Bản Đôn ?

Những chú voi
Đầm mình vượt sông
Lằn lưng
Cõng  khách
Vây vẩy đuôi cụt
Lông đuôi thành đồ trang sức
Gắn nhẫn đeo tay
Kết dây treo cổ
Làm bùa hộ mệnh
Giàu sang tốt số
                                     (Tháng Ba Tây Nguyên, Nguyễn Duy Xuân)

Rời khu du lịch thác Bảy Nhánh chúng tôi ghé qua nơi đóng đại bản doanh của vườn quốc gia Yok Đôn. Lách mình qua cánh cổng hẹp xuống bãi du lịch bên bờ sông. Khách vắng teo. Chỉ có hai em nhỏ học lớp 9 vừa tan trường đang ngắm cảnh tìm cảm hứng cho đề văn mà cô giáo vừa ra cho. Trò chuyện một chặp biết chúng tôi là thầy giáo dạy văn,  em gái có dáng mảnh mai nói giọng nhỏ nhẹ ngỏ lời muốn được nghe thầy đọc thơ. Ôi, em đang tuổi trăng tròn mà đã phải gánh chịu bất hạnh của cuộc đời một đứa trẻ mồ côi. Phải chăng tâm hồn em đang khát lắm hơi ấm của tình thương mà thơ ca có thể đem lại cho em sự cứu rỗi ? Chúng tôi chụp cùng các em một tấm ảnh kỉ niệm. Hai cô bé thật ngoan, lễ phép cảm ơn và chào các chú ra về.

Đợi cho hai người bạn nhỏ tuổi đi khuất, Trần Sùng liền bảo tắm sông. Một sáng kiến độc đáo của anh chiến sĩ thông tin mà gần bốn mươi năm trước đã từng dầm mình vượt dòng Sêrêpôk trong cái nơm nớp bởi đạn bom quân thù. Thế là cả hai cởi hết quần áo nhảy ùm xuống dòng nước mát. Thật không thể nói hết cái cảm giác sung sướng trong thời khắc hiếm hoi đó. Con người ta chỉ cảm thấy tự do thực sự khi trở về với cái nguyên thủy của mình giữa thiên nhiên hoang dã.

Thả hồn về với thiên nhiên
Phiêu diêu trong tiếng nhạc huyền ngân nga
Bụi trần giờ đã lùi xa
Chỉ còn ta giữa bao la đất trời
                                            (Đray Sáp, Nguyễn Duy Xuân)

Mặt trời đã đứng bóng. Cái bụng bắt đầu cồn cào nhưng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình vì tiếc cái công mình vượt đường xa tới đây. Chúng tôi ngược về trung tâm du lịch Bản Đôn giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa chớm hè. Khách khứa cũng thưa thớt. Chỉ có những san sát các shop bán đồ lưu niệm mà sản phẩm bày bán thì shop nào cũng giống shop nào. Trần Sùng loay hoay mãi rồi cuối cùng cũng chọn được hai món hàng ưng ý: một chú voi con Bản Đôn và một chiếc tù và làm bằng sừng trâu, quà tặng cho đứa cháu đang mong ngóng ông nội ở quê.

Đã hơn một giờ chiều. Điện thoại từ đại bản doanh nhà lão gia Phạm Văn Phài réo liên tục. Anh Hoàng Minh Sơn đang sốt ruột, cái sốt ruột của một sĩ quan quân đội luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh kỉ luật. Thế là chuyến du ngoạn đành phải kết thúc trong tiếc nuối. Chúng tôi đội cả mưa mà về Ban Mê cho kịp chuyến xe đi Đà Lạt lúc ba giờ chiều. Vội vã mà vẫn cố dừng lại nơi Ngã Sáu để chớp cho Trần Sùng vài kiểu ảnh làm chứng từ thanh toán với bà xã ngày về.

Tới nhà lão gia Phài, mọi người đã tề tựu đông đủ, đồ ăn thức nhắm bày sẵn. Thế mà chỉ uống với nhau được li bia. Vội vàng chia tay, lòng hứa hẹn một ngày không xa gặp lại.

Tôi vừa về đến nhà thì bỗng nghe điện thoại kêu tít tít. Thì ra là tin nhắn của Trần Sùng thông báo đã lên xe và ngỏ lời chào vợ chồng tôi. Bất chợt liên tưởng đến chuyện các cụ nguyên thủ mỗi lần đi thăm nước người, sau khi lên chuyên cơ, thế nào cũng có điện cảm ơn gia chủ. Hi hi ! Ông bạn của mình cũng thật chu đáo. Cảm ơn anh, Trần Sùng !
Buôn Ma Thuột, 21-4-2012
Nguyễn Duy Xuân