Trang chủ

     

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

XUÂN VỀ TRÊN CAO NGUYÊN - tùy bút Nguyễn Duy Xuân

Le_hoi_Ban_Me

   Hơn ba mươi năm trước, tôi đặt chân lên Tây Nguyên vào dịp cuối năm. Ấn tượng đầu tiên về mảnh đất này là gió và gió. Đã trải qua cái gió Lào xác xơ tháng 6 của quê hương xứ Nghệ nhưng vẫn thấy chưa thấm vào đâu so với cái gió của đại ngàn. Ầm ào suốt ngày đêm. Đồ đạc trong nhà lau chùi liên tục nhưng chỉ sau một lát bụi đỏ lại bám đầy. Chả thế mà Buôn Ma Thuột thời ấy từng được gán cho cái biệt danh: Bụi mù trời !

                                                      *
   Mùa khô Tây Nguyên nằm vắt qua giữa năm cũ và năm mới. Cái lộng gió của cao nguyên là minh chứng cho sự khắc nghiệt của khí hậu miền đất đỏ ba-zan, làm nên cái chất riêng của Tây Nguyên để rồi đọng lại trong thi ca, trong âm nhạc thành vần, thành điệu như mật ong rừng làm say đắm lòng người. Nhưng bây giờ Tây Nguyên không còn gió ghê người như cái thời đậm chất hoang dã nữa. Những năm gần đây khí hậu Tây Nguyên dường như lạnh hơn vào tháng cuối năm. Chưa Noel mà đã thấy rét. Người ta nói vui dân Bắc vào khai phá Tây Nguyên không chỉ mang theo phong tục tập quán mà còn cả cái rét đặc trưng của xứ sở. Gió xào xạc, trời âm u, lành lạnh lại điểm mưa bụi nữa thì đúng là mùa đông xứ bắc đã theo con người vào đây rồi còn gì ?
Mấy hôm nay giá lạnh khác thường
Chẳng còn nắng gió đất phương Nam
Trời âm u thế, mưa sồi sụt
Ngỡ như  tháng chạp ở quê mình.
                        (Gợi nhớ quê hương-NDX)
   Bây giờ đã qua Noel. Những nương rẫy cà phê bạt ngàn vừa thu hoạch xong. Năm nay thời tiết thuận lợi, cà phê cao sản. Gương mặt người dân ai cũng phấn khởi. Được mùa lại được giá. Người nông dân không mong gì hơn thế. Đã có những lúc cà phê rớt giá thê thảm, một kí cà đổi ngang kí gạo. Khuôn mặt người dân hốc hác. Cây cà phê dường như cũng khẳng khiu hơn.
   Buổi chiều nay sao lạnh thế. Tôi đã mặc hai ba lớp áo ấm mà đi trên đường vẫn thấy rét thấu da. Chả là có anh bạn thơ vừa từ thành phố Hồ Chí Minh lên hẹn gặp nhau tại Cư Kuin, nơi gia đình thông gia của bạn. Cư Kuin cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 20 cây số. Con đường mới nâng cấp, rộng rãi phẳng phiu. Mươi hôm trước nếu đi qua đây vào giờ cao điểm chiều có khi còn bị tắc đường. Những đoàn xe “tọc tọc” lúc tan tầm hái cà phê về, như dòng chảy không dứt. Trên xe chất đầy những bao cà phê tươi lại còn vắt vẻo vài ba người mũ áo che kín chỉ còn hở đôi mắt. Chẳng có luật giao thông nào áp dụng được vào cái giờ phút ấy. Mà thôi, đôi khi luật cũng phải nhường chỗ cho “lệ”. Ngày xưa ông bà chẳng đã nói phép vua thua lệ làng là gì ? Cái lệ mà vì dân giàu thì cũng tốt chứ sao ?
   Anh bạn thơ tâm sự: khi chưa đặt chân lên Đắc lắc, người thành phố chúng tôi cứ nghĩ trên ấy chỉ có rừng hoang rú rậm, cuộc sống của đồng bào chắc là vất vả lắm. Nào ngờ lên rồi mới biết cuộc sống người dân nơi đây khác hẳn. Nhà cửa khang trang, đường sá giao thông thuận lợi, đặc biệt là không khí trong lành, bầu trời thoáng đãng. Dân thành phố có nằm mơ cũng không có được cái không gian thiên nhiên trong sạch đến thế. Suốt ngày chúng tôi chui vô chui ra trong căn nhà ống nơi đô hội sầm uất mà cứ nghĩ thế là nhất rồi. Ai dè… Thật mừng cho bà con mình quá !
   Anh bạn thơ yêu quí ơi ! Nhớ lần đầu tiên về thành phố, chúng tôi choáng ngợp và cũng khao khát cái sầm uất, đầy đủ tiện nghi của chốn phồn hoa. Nhưng quả thực, trong thâm tâm, người Tây Nguyên không ai không muốn đổi cái sự trong lành, phóng khoáng trời đất phú cho mình để lấy cái bụi bặm, chật chội nơi phố phường đâu. Nói vậy thôi chứ quê hương mỗi người chỉ một, sao mà đổi chác được, phải không thi sĩ ?
   Tôi rẽ theo con đường dẫn vào buôn. Nhà cửa của đồng bào bây giờ cũng nhô ra mặt tiền. Không còn cái cảnh nhà sàn trên thì người ở, dưới thì trâu bò, lợn gà chen chúc, hôi hám, lầy lội. Nhiều nhà còn được xây theo kiểu nhà Thái, mái ngói cao vút, đỏ chói. Đang mùa thu hoạch, nhà nào cũng chất đầy cà phê. Thứ đã khô thì đóng bao xếp ngay ngắn trong kho, thứ còn tươi thì ngồn ngộn ngoài sân.
   Thấy một chị vừa địu con trên lưng vừa se cà trên sân, tôi dừng xe, lân la hỏi chuyện. Chị H’ Toen chủ nhà, còn rất trẻ, cho biết năm nay nhà chị thu hoạch được khoảng 4 tấn cà phê nhân. Theo thời giá hiện tại, trừ hết chi phí nhà chị cũng lãi được gần trăm triệu đồng. Thấy tôi đứng ngắm nghía ngôi nhà xinh xắn của đôi vợ chồng trẻ, chị giải thích: tất cả là từ cà phê đấy, nhờ nó mà mình xây được cái nhà, sắm được cái xe máy, ti vi… Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chị như truyền sang tôi niềm vui được mùa của người dân lao động.
- Đồng bào bây giờ biết ăn cái Tết của người Kinh rồi. Nhà mình cũng đang chuẩn bị sắm tết đấy. Quần áo mới, bánh kẹo, rượu bia ở đây này ! Chị H’ Toen cười vui, chỉ tay vào đống cà giữa sân nói.
                                                     *
   Chiều chạng vạng. Gió lạnh buốt hai bên tai nhưng tôi vẫn thấy lòng mình ấm áp. Dọc hai bên con lộ, bà con tận dụng những khoảnh đất trống để trồng rau. Xu hào, cải bắp, xà lách… đang lên mơn mởn. Những thứ rau xứ lạnh này trước đây làm gì có ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Thế mà bây giờ theo cái lạnh nó cũng đã tìm đến định cư ở miền đất hứa, sinh sôi, nảy nở tràn trề sinh lực. Nó đang hiển hiện trước mặt tôi, óng lên một màu xanh tươi non trong cái giá lạnh của một buổi chiều cuối đông. Những cơn mưa bụi lác đác cũng đủ làm cho cà phê bung nụ đầu mùa, điểm bông trắng muốt trên cái nền xanh thẫm đang bật mầm sau một vụ cà bội thu. Đấy là tín hiệu báo mùa xuân đang tới. Một mùa xuân căng đầy nhựa sống trên mảnh đất cao nguyên yêu dấu, quê hương thứ hai của tôi.
Buôn Ma Thuột, ngày đầu năm mới 2012
Nguyễn Duy Xuân
Bài đã đăng trên các trang Hội nhà văn VN, Trần Nhương