Trang chủ

     

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

DUYÊN NỢ VĂN CHƯƠNG GIỮA ĐẠI TƯỚNG VÀ NHÀ VĂN - Nhà văn Hữu Mai


- Nhân dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi, TCNV xin giới thiệu những kỷ niệm về mối duyên nợ văn chương giữa nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Tổng Tư lệnh.

Một tối mùa đông năm 1970, theo triệu tập của Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, tôi tới làm việc tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước đó, đầu tháng Tư năm 1964, tôi là một nhà văn quân đội mang quân hàm đại úy, được Tổng cục Chính trị trao nhiệm vụ tới giúp Đại tướng ghi lại một vài hồi ức để in vào cuốn sách của nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ ra mắt nhân dịp Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ([1]). Chẳng cần nói tôi đã hồi hộp như thế nào khi lần đầu được trực tiếp gặp đồng chí Tổng tư lệnh, ước mơ của những nhà văn viết về chiến tranh. Sau đó, may mắn hơn, tôi đã có một thời gian dài được làm việc với đại tướng.

Người chiến sĩ cảnh vệ đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí chánh văn phòng không có mặt. Tôi biết đây không phải là buổi làm việc chính thức. Trong lúc ngồi đợi, tôi băn khăn không hiểu đại tướng gọi tới vì việc gì.

Anh Văn từ phòng trong đi ra. Anh vẫn mặc quân phục. Nụ cười tươi làm bộ mặt anh sáng rỡ. Tôi nhìn thấy anh cười lần đầu trong cuộc duyệt binh của tự vệ thành tại Nhà đấu xảo Hà Nội năm 1946. Nụ cười này là của Bác tặng cho anh. Anh Văn vốn có vẻ mặt nghiêm nghị, khiến một số người mới gặp phải e ngại. Anh đã kể với tôi, sau ngày Cách mạng thành công, làm việc ở Bắc Bộ Phủ, một hôm Bác nhìn anh, rồi hỏi:
- Sao chú Văn lúc nào cũng có vẻ mặt như đang giận ai?
Từ đó anh hay cười. Nụ cười cởi mở của anh đã góp phần cho những buổi làm việc rất có hiệu suất.
Tôi đứng lên chào anh, rồi hỏi:
- Thưa anh, anh mới ở trong Thành về.
Anh nói:
- Có một vài việc phải giải quyết gấp, ngày mai tôi đi Liên Xô...
Điều này hơi bất ngờ. Vì mỗi lần thủ trưởng Bộ ra nước ngoài đều có một thời gian chuẩn bị, tôi hay lui tới Văn phòng thường được biết trước về những chuyến công cán.
Anh nói tiếp:
- Hôm vừa rồi, quân y viện 108 phát hiện ở hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, bạn bảo cần sang ngay.
Tôi bàng hoàng. Nếu có chuyện không may đến với anh giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt... Với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, Tổng tư lệnh chính là linh hồn của quân đội.
Chị Hà cũng ở phòng trong đi ra. Những buổi tôi làm việc với anh, chị thường có mặt trong thời gian đầu. Chị nghiên cứu về sử học, vốn quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ. Khác với mọi lần, đôi mắt chị lộ vẻ ưu tư.

Tôi hỏi chị:
- Chị cũng đi với anh?
Chị nhè nhẹ gật đầu.
Người phục vụ đưa ra ba bát chè sen nhỏ. Anh Văn chỉ ăn hết nửa bát. Chị Hà im lặng cầm bát chè của anh ăn tiếp. Khác với mọi lần, anh Văn không nói gì về công việc. Tôi biết cuộc gặp không kéo dài, vì anh chị còn phải chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.
Khi tôi chuẩn bị ra về, anh Văn chỉ vào miệng nói:
- Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra ở Liên Xô, đúng là có chuyện..., tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc.
Tôi biết anh có điều muốn nhắn gửi lại cho mai sau.
Anh chìa tay cho tôi trước khi chia tay. Tôi lo lắng nắm tay anh:
- Cầu mong là sẽ không có chuyện gì.
Anh mỉm cười, nụ cười lúc nào cũng tươi, như để an ủi tôi.

Nhưng rồi chỉ vài tuần sau, anh đã trở về. Anh cho biết khi máy bay mới tới Taxken, địa đầu Liên Xô, một đoàn bác sĩ của bạn đã tới đón tại phi trường. Đồng chí trưởng đoàn chăm chú ngắm nhìn anh, rồi nhận xét: "Với thần sắc của Đại tướng, tôi cam đoan là không có chuyện đó". Và qua kiểm tra rất kỹ lưỡng, đúng là không có chuyện gì.

Chuyện này qua đi, không ai chú ý. Nhưng tôi cứ nhớ mãi. Đây là lần đầu, tôi trực tiếp chứng kiến anh đối mặt với một tai biến (cũng may, đó chỉ là sự lầm lẫn). Sao một con người có thể thanh thản, tỉnh táo đến như vậy? Và sau này, tôi cũng có dịp chứng kiến thái độ của anh qua một đôi lần đối mặt với thử thách. Anh khác hẳn với mọi người, ở thái độ cực kỳ bình thản. Nhưng như lời anh nói: "Sau lúc đó, thì tôi mệt". Cái mệt chỉ đến sau với anh.
Đây là một đức tính rất lạ ở anh. Đức tính góp phần giúp anh vượt khó trong cuộc hành trình xuyên thế kỷ.
*
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong nước cũng như ngoài nước hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đại tướng làm người đứng đầu lực lượng vũ trang?" Có lần anh mỉm cười trả lời: "Điều này phải hỏi Bác!"

Khi giúp anh Văn viết bộ hồi ức về kháng chiến chống Pháp, tôi cũng đã hỏi: "Xin anh cho biết vì sao Bác đã chọn anh phụ trách đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân?" Anh  nói: "Tôi đã suy nghĩ về chuyện này, cũng chưa thật hiểu vì sao, bây giờ Bác đã đi xa, chỉ còn là ức đoán".

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng ta cử sang Vân Nam, Trung Quốc, gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Qua vài lần gặp, Bác quyết định: "Chú Văn sẽ lên Diên An học quân sự". Anh Văn nói vui: "Từ trước tới giờ chỉ quen cầm bút chưa quen cầm kiếm". Anh tốt nghiệp cử nhân luật và kinh tế. Từ khi tham gia công tác cách mạng, anh thường viết báo và dạy học. Nhưng rồi chuyện đi học quân sự của anh không thành. Trên đường đi Diên An, Bác gọi anh quay lại. Nước Pháp đã đầu hàng phát xit Đức, Bác thấy mọi người cần trở lại nước nhà ngay để chuẩn bị đón thời cơ. Gần đây, một nhà báo Mỹ hỏi Đại tướng: "Ông đã là giáo sư lịch sử, được biết là ông giảng rất hay về Napoléon, xin ông cho biết đã chịu ảnh hưởng gì về mặt quân sự của vị tướng này?" Anh Văn trả lời: "Tôi không chịu ảnh hưởng gì về quân sự của Napoléon, vì khi đó tôi không hề nghĩ sẽ có ngày mình làm công tác quân sự".

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám năm 1941 tại Cao Bằng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.

Anh Văn được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc ở Cao Bằng. Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch "Việt Minh ngũ tự kinh" (chương trình Việt Minh bằng thơ năm chữ) thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát. Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh. Địch phản ứng quyết liệt. Có lần anh đang công tác tại bản Nà Dú thì địch tới càn quét truy lùng cán bộ cách mạng. Bác cử người đến bảo anh trở về căn cứ. Anh đề nghị Bác cho ở lại cùng đồng bào chèo chống qua cơn nước lửa. Rồi Bác trao nhiệm vụ cho anh mở con đường Nam tiến qua vùng địch chiếm bắt liên lạc với miền xuôi, trước hết là hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn này. Một lần, đồng chí Phạm Văn Đồng, ở với Bác tại khu căn cứ, kể lại với anh: "Bác nói chú Văn công tác rất tốt".

Năm 1942 Bác ra nước ngoài định gặp Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên đường đi bị bọn Quốc dân đảng Trung Hoa vu cho là Hán gian, bắt giam một thời gian dài. Tại Cao-Bắc-Lạng, phong trào cách mạng phát triển rất sôi nổi, rộng khắp. Địch lo sợ, tiến hành khủng bố trắng. Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng quyết định khởi nghĩa để bảo vệ phong trào. Tháng 9-1944, chỉ còn chờ qua mùa gặt, đồng bào thu hoạch thóc lúa xong, thì cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu.

Giữa lúc đó, có tin Bác thoát khỏi ngục tù Quốc dân đảng trở về. Anh Văn cùng với đồng chí Vũ Anh ([1]) lên Pác Bó gặp Bác. Sau khi nghe báo cáo,  Bác nói: "Điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi. Cuộc khởi nghĩa đơn độc nổi lên ở Cao-Bắc-Lạng nhất định kẻ địch sẽ tập trung lực lượng đàn áp". Bác nhận định: "Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên quân sự. Hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Ta sẽ lập đội quân giải phóng, lúc đầu chỉ cần tổ chức một lực lượng nhỏ dùng hình thức vũ trang gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng, sau đó mở rộng, phát triển dần lên".

Anh Văn bị hoàn toàn bất ngờ, khi được Bác hỏi:
- Việc này trao cho chú Văn. Chú Văn có làm được không?
Anh trả lời ngay:
- Thưa Bác: có thể được.
- Mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không?
- Thưa Bác, nhất định kẻ địch không thể tiêu diệt ta được.
Bác đặt tên đội quân chủ lực đầu tiên là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Sau này Anh Văn nói là khi trả lời Bác như vậy, anh đã nghĩ đến những cuộc khủng bố trắng rất gắt gao của địch những năm qua, nhưng lực lượng cách mạng vẫn tồn tại vì có sự bảo vệ của dân.
Anh Văn được trao nhiệm vụ đơn giản như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc lại một kỷ niệm mà ông cho rằng sâu sắc nhất. Trước ngày thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, ông nghỉ đêm lại ở hang Pác Bó với Bác. Trong câu chuyện, Bác bỗng trầm ngâm rồi nói: "Người làm cách mạng phải "dĩ công vi thượng" (đặt lợi ích chung lên trên hết). Ông nói: "Dĩ công vi thượng", suốt đời vì nước vì dân, không mảy may có chút suy nghĩ nào khác, là đạo đức cao cả nhất của người cách mạng. Tôi nhớ mãi câu này và phấn đấu suốt đời để làm theo lời Bác".

*
Tháng Tám năm 1998, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là thành viên trong đoàn của John Kennedy, con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy, sang thăm Việt Nam. John hiện phụ trách một tờ báo phát hành với số lượng lớn ở Washington, đã đọc một số sách của tôi và đề nghị được gặp.

Trong buổi gặp, John Kennedy, một thanh niên rất đẹp trai, nói vừa qua mình đã lên thăm Cao Bằng, ngủ lại một đêm tại Pác Bó và có tiếp xúc với người dân địa phương. Anh thú nhận là mình rất băn khoăn không hiểu vì sao trong một hang rừng ẩm lạnh và với những người dân thuần phác như vậy, Hồ Chí Minh đã nghĩ ra cách giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc.

Tôi nói mình thuộc thế hệ sinh sau, chỉ trả lời với tư cách là một người có nghiên cứu về hai cuộc chiến tranh giải phóng, và khuyên John, tốt nhất nên hỏi trực tiếp người đã ở Pác Bó thời đó, hiện nay vẫn còn hai người là nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. John Kennedy nói: "Làm sao mà gặp được Tướng Giáp...? Tôi đã chuẩn bị điều này từ Washington, nhưng người ta đều bảo là không thể gặp Đại tướng". Tôi nói là mình sẽ thử đề nghị giúp anh xem sao. Anh Văn cân nhắc rồi quyết định gặp John Kennedy.

 Trong bài Trí tuệ bậc thầy trên tờ George, thuật lại cuộc gặp gỡ này, John Kennedy viết là Tướng Giáp đã kể lại với mình:
"Khi có người hỏi tôi: "Ai là vị tướng Việt Nam vĩ đại nhất?" Tôi đáp: "Nhân dân Việt Nam." ([2])
Không biết John Kennedy có hiểu đây là một điều rất nghiêm túc, rất chính xác, rất cụ thể. Trong những cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, nhân dân bao giờ cũng quyết định chiến thắng. Nhân dân  chính là người thầy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh này, đã dạy cho ông cách đánh thắng cả hai đạo quân xâm lược lớn nhất thời nay.

*
Những người đã có dịp làm việc nhiều với anh Văn đều thấy trong mỗi việc làm, dù lớn hay nhỏ, anh đều muốn đạt tới sự toàn thiện, tất nhiên là sự toàn thiện trong giới hạn thời gian cho phép.

Anh sớm có niềm đam mê đối với công việc ngay từ thời thanh niên. Dường như anh không thể lúc nào ngừng làm việc. Công việc đối với anh đã trở thành niềm vui, thành lẽ sống. Người ta có thể rối mắt khi nhìn tấm bảng ghi chương trình làm việc hàng ngày của anh. Những công việc rất khác nhau. Có lẽ anh đã tìm cách giải trí bằng sự sắp xếp những nội dung khác nhau trong một ngày làm việc. Đối với những người phụ trách về sức khỏe, anh luôn luôn vi phạm giờ giấc. Tôi đã chứng kiến nhiều lần anh cố gắng thuyết phục bác sĩ: "Chỉ một chút nữa thôi, sắp xong rồi." hoặc: "Làm việc này có gì mệt đâu!".

Sự di chuyển, sự thay đổi không khí mang lại cho anh thích thú trong công việc. Tôi đã theo anh nhiều lần trong những chuyến công tác. Bao giờ cũng có một số cán bộ cùng đi. Người này làm việc xong lại tiếp người khác. Những năm chiến tranh, anh làm việc cả trên đường đi. Xe anh đi trước, một cán bộ ngồi cùng anh. Một xe đi sau, có những người khác sẵn sàng chờ đến lượt. Không phải ai cũng quen với cách làm việc này. Nhiều người không giấu được vẻ lo lắng khi được gọi tên. Một lần xe đổ dốc Tam Đảo, xe anh đi trước bỗng dừng lại. Một cán bộ xuống xe, mặt xanh xám. Anh cũng xuống theo, hỏi vì sao. Và hình như anh không hiểu tại sao lại có những người không thể làm việc trên xe!

Tôi đã biết tất cả những văn bản do anh làm chỉ được coi là hoàn thành khi nó đã in ra.
Tuổi tác không làm mất đi của anh niềm đam mê này. Chỉ có sức khỏe là hạn chế được nó. Những người có trách nhiệm đã tìm mọi cách rút bớt chương trình làm việc của anh, nhưng đôi lúc họ cũng nhận thấy: để anh làm việc một chừng nào mới là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho anh. Mặc dầu đã bước sang tuổi chín mươi, nhưng anh vẫn minh mẫn lạ thường, ngay cả trong những ngày kỷ niệm lớn, anh phát biểu không cần đến giấy tờ, và không hề có vấp váp...

Có lẽ cần bổ sung thêm một nét.
Tôi kém anh mười lăm tuổi.
Vào những năm tôi đã lớn tuổi rồi, có lúc anh bỗng dưng hỏi:
- Năm nay, anh bao nhiêu tuổi?
Tôi biết là anh rất ít quên tên, quên tuổi những người anh đã hỏi một lần. Tôi đáp lại để nhắc anh là mình không còn trẻ nữa.
Anh mỉm cười nói:
- Thích nhỉ!
Anh như thèm được ở tuổi như tôi. Và có thể anh muốn nhắc tôi đối với công việc, đừng bao giờ coi là mình đã già, hãy nhìn anh. Tôi cảm thấy anh không muốn người khác nhắc tới tuổi tác của mình, cái tuổi cần nghỉ ngơi, vì anh vẫn có khát khao được làm việc.

*
Sau ngày đất nước thống nhất, anh Văn nói với tôi là muốn viết lại cuộc chiến tranh này, trước hết là kháng chiến chống Pháp và đặc biệt về Điện Biên Phủ. Anh nói: "Muốn hiểu Điện Biên Phủ thì phải nhìn lại toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc của ta, và phải giải đáp được ba câu hỏi:
1. Vì sao phải đánh?
2. Vì sao đánh lâu đến thế?
3. Cuối cùng, quan trọng nhất, vì sao đánh thắng?
Tôi đã dành trọn hai mươi năm để giúp anh viết ba tập: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử. Mỗi lần sách tái bản, anh lại thấy cần được sửa chữa, bổ sung.

Điện Biên Phủ đã đưa tôi đến với Chỉ huy trưởng chiến dịch. Chính là trong thời gian giúp anh làm bản tổng kết thực tiễn về cuộc kháng chiến, tôi đã tiếp tục khẳng định hướng đi của mình trong nghề cầm bút. Tôi gần như quên chuyện văn chương, mà chỉ nghĩ làm cách nào ghi lại thật nhiều những gì mình đã biết về hai cuộc kháng chiến. Cũng có người hỏi Đại tướng: "Vì sao lại chọn một nhà văn giúp mình viết về chiến tranh trong khi có những người được đào tạo rất cơ bản về quân sự sẵn sàng làm việc này?" Đó là cơ duyên.

Ảnh trên: Gia đình nhà văn Hữu Mai và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tết Ất Dậu (2005)

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Đồng chí Vũ Anh khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng.
[2] Sau khi viết bài báo này, John Kennedy, người cuối cùng trong dòng họ Kennedy, hy sinh vì một tai nạn máy bay do chính anh cầm lái.

Tác giả bài viết: nhà văn Hữu Mai, nguồn Tạp chí Nhà văn