Trang chủ

     

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

TIN NÓNG TRONG NGÀY: Y án sơ thẩm ông Cù Huy Hà Vũ; Giải trình về vụ "công an khiêng người biểu tình"


Y án sơ thẩm đối với Cù Huy Hà Vũ

Ngày 2.8, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm phạt bị cáo Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Ngoài ra, Cù Huy Hà Vũ còn bị phạt quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Theo Bản án sơ thẩm số 178/2011/HSST ngày 4.4.2011 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, từ năm 2009 đến tháng 10.2010, Cù Huy Hà Vũ (sinh năm 1957, trú tại số 24 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải, phát sóng trên mạng internet và đài phát thanh nước ngoài mang nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam.

Hành động của bị cáo đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm c - Bộ luật Hình sự.

Tham gia bào chữa cho bị cáo có 4 luật sư: Vương Thị Thanh, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải và Trần Quốc Thuận.

Sau khi xem xét ý kiến của Viện kiểm sát, ý kiến tranh tụng của các luật sư, trả lời của bị cáo tại phiên tòa, Hội đồng xét xử kết luận: Từ các tài liệu chứng cứ và quá trình tranh tụng tại phiên xét xử phúc thẩm đủ căn cứ bác bỏ kháng cáo của bị cáo Cù Huy Hà Vũ, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo về tội danh và hình phạt (thời hạn tù tính từ ngày bị bắt giam 5.11.2010).

Bản án của Tòa phúc thẩm có hiệu lực từ ngày tuyên án.

Hà Nội giải trình về vụ 'công an khiêng người biểu tình'

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an Hà Nội) thừa nhận, hình ảnh cảnh sát khiêng một người đàn ông biểu tình tự phát lên xe buýt ngày 17/7 là phản cảm, nhưng không có chuyện anh này bị cảnh sát đánh.
Theo Giám đốc Công an Hà Nội kiêm Tổng cục phó Tổng cục An ninh 2 Nguyễn Đức Nhanh tại cuộc họp báo chiều 2/8, vừa qua công an thành phố nhận được thư của một số cá nhân đề nghị trả lời về sự việc có những người tập trung biểu tình tự phát phản đối việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đã bị công an thành phố "đàn áp thô bạo".

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh và thượng tá Đào Thanh Hải trong buổi họp chiều 2/8. Ảnh: Thái Thịnh.

Theo ông Nhanh, đến ngày 24/7 đã có 8 cuộc biểu tình tự phát với các thành phần tham gia là học sinh, sinh viên, giới trí thức, văn nghệ sĩ... Họ thường tập trung khoảng 8h30 sáng và giải tán sau khoảng 3 tiếng. Cuộc đầu tiên có khoảng 300 người tham gia nhưng sau giảm dần còn khoảng 50-60 người.

Ông Nhanh nhấn mạnh chủ trương nhất quán đối với người biểu tình là tuyên truyền, giải thích, thuyết phục, vận động và chỉ tiến hành cưỡng chế những người cố tình tập trung đông người, cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự thành phố theo Nghị định 38 năm 2005 của Chính phủ. "Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình", ông Nhanh khẳng định.

Ông Nhanh cho biết, trong cuộc biểu tình ngày 17/7, nhằm tránh gây ảnh hưởng giao thông, công an Hà Nội đã đề nghị đám đông giải tán. Tuy nhiên, trong số này có một người đàn ông (được xác định là Nguyễn Chí Đức, 35 tuổi, nhân viên một trung tâm dịch vụ viễn thông Hà Nội) không chấp hành. Anh Đức ngồi bệt xuống đất, khiến 4 cán bộ mặc sắc phục của công an quận Hoàn Kiếm phải khiêng lên xe buýt, đưa về đồn công an số 1 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) để tuyên truyền, giải thích.

Trả lời báo chí về clip được phát tán lên mạng có hình ảnh một người đàn ông mặc thường phục đạp vào người anh Đức khi bị khiêng lên xe buýt, Giám đốc công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra phối hợp với VKSND cùng cấp đã điều tra xác minh, người mặc thường phục đó là đại úy Phạm Hải Minh. Trưởng công an quận Hoàn Kiếm đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đại úy Minh để phục vụ việc điều tra.

Đại úy Minh tường trình, hôm đó cảnh sát này bước từ trên xe buýt xuống để đỡ anh Đức lên, không đạp vào mặt anh này. Theo cơ quan điều tra, anh Đức cho biết không bị đánh và chỉ có sự xô đẩy khi đưa lên xe buýt. Kết quả khám tại Bệnh viện E - Hà Nội cho thấy, không phát hiện thương tích hay tổn thương trên người anh Đức.

Công an Hà Nội kết luận, không có căn cứ xác định anh Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ngày 17/7.

"Chúng tôi điều tra phải có nguồn rõ ràng, căn cứ từ nhiều tài liệu khác nhau như nhân chứng, bị hại, đôi dép... chứ không thể dựa vào riêng hình ảnh clip", thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nhanh thừa nhận, tổ công tác làm nhiệm vụ hôm đó cũng có sai sót, cần nghiêm khắc phê bình.

"Người ta ngồi ra đường có nhất thiết phải khiêng lên xe buýt hay không, khi họ không phải là tội phạm hay người đang bị truy nã. Hình ảnh trên đúng là phản cảm", tướng Nhanh nói.
NDX.blogspot tổng hợp