Trang chủ

     

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tuyên thệ nhậm chức - Nguyễn Duy Xuân


Tuyên thệ khi nhậm chức là một cách làm vừa trang trọng, tôn vinh cá nhân vừa có ý nghĩa ràng buộc mạnh hơn về trách nhiệm của người được quốc dân giao trọng trách, bởi tuyên thệ là long trọng hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ theo những gì mình đã cam đoan. Do đó người tuyên thệ luôn luôn có trách nhiệm với quốc dân về những gì mình đã hứa và quốc dân cũng căn cứ vào lời hứa đó mà giám sát, đánh giá sau mỗi thời gian nhất định hay trước khi kết thúc nhiệm kì. Tuyên thệ còn có tính chất thiêng liêng vì người ta chỉ tuyên thệ trước quốc dân đồng bào hay trước quốc hội đại biểu cho nhân dân.


Khác với tuyên thệ, phát biểu nhậm chức thì không có sự ràng buộc chặt chẽ nào cả, bởi phát biểu (nhậm chức) chỉ là tỏ ý kiến của mình về nhiệm vụ được giao một cách chung chung, trách nhiệm cá nhân không cụ thể, người dân cũng khó trong việc giám sát, đánh giá. Người ta có thể phát biểu nhậm chức bất kể cấp nào cho nên nó không mang tính chất thiêng liêng, do đó cái sự ràng buộc cũng hạn chế.

Ở các nước khác không chỉ riêng phương Tây mà ngay trong khu vực Đông Nam Á, từ nguyên thủ cho đến bộ trưởng khi nhậm chức đều có tuyên thệ. Người dân trông chờ và đặt nhiều kì vọng ở lời tuyên thệ nhậm chức của họ. Còn ở ta, đã thành thông lệ, bộ trưởng, nguyên thủ chỉ phát biểu khi nhậm chức. Không tổ chức lễ lạt gì. Thường là sau khi công bố kết quả bầu cử, người trúng cử đăng đàn phát biểu nhậm chức luôn, người cũ tặng hoa, ôm hôn, chúc mừng người mới, hội trường vỗ tay tán thưởng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-7, nguyên phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân cho biết trước đây cũng đã có ý kiến đề nghị người trúng cử tuyên thệ. Ông cho rằng đó là việc nên làm để tăng tính ràng buộc đối với người được giao trọng trách gánh vác việc nước.

Truyền thống nhà nước ta có tuyên thệ không ? Xin thưa: Có !

Việc tuyên thệ của Chính phủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện từ những ngày đầu xây dựng chế độ Dân chủ. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16/8/1945, ngay sau khi Uỷ ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) được thành lập, đứng trước “hòn đá thề” ở sân đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cơ quan quyền lực mới được bầu, đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi, những người được Quốc dân Đại biểu bầu vào Uỷ ban Gải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề!”.

Quốc hội khoá I (1946) bầu ra Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ mới đọc lời tuyên thệ nhậm chức: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Tối cao Cố vấn đoàn và Uỷ viên Kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền Dân chủ Cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Ngày 5/5/1958, trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “... Như các vị vừa mới tuyên thệ, chúng ta phải hết sức phục vụ nhân dân, chí công vô tư; làm gương về mặt đức - tài. Đó là đạo đức cách mạng”.

Truyền thống tốt đẹp đó không hiểu sao về sau không còn được duy trì. Hi vọng ở Quốc hội khóa XIII sẽ khôi phục lại nhưng tiếc thay, hi vọng vẫn chỉ là hi vọng.
23-7-2011
Nguyễn Duy Xuân