Trang chủ

     

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Phong học hàm: Tôn vinh hay ban phát? - Hà Văn Thịnh


Xã hội phải có trách nhiệm tôn vinh những nhân cách, tài năng, công lao ấy một cách xứng đáng. Có như thế thì "phần thưởng" của cuộc đời mới xứng đáng đến trọn đời.

Các thế hệ đuổi theo phiếu... Bé Ngoan

Theo truyền thuyết (hay là dã sử, huyền sử) Mặc Tử (khoảng 479-381 trước CN) có nói rằng trên đường ông chỉ thấy hai loại người: Loại đi kiếm danh, còn loại kia đi tìm lợi. Ngày nay, thời thế đổi thay, danh luôn đi kèm với lợi.

Không phải ngẫu nhiên mà khi đụng đến chuyện gì "liên quan đến" bổng lộc hay chức vụ (có danh, có phận, có lợi đủ đường) thì tất cả đều phải chạy! Chuyện chạy và xin - cho, nhiều và phổ biến đến nỗi nó trở thành một thuộc tính của thời đại nhiễu nhương, khiến cho con người, nếu không nghĩ đến thì thôi, đã ngẫm suy chút ít, nặng thì xót xa, nhẹ thì chỉ còn biết thở dài.

Thử nghĩ mà xem khi ta bắt đầu việc giáo dục cho con trẻ thành người là toàn bộ các vấn đề xoay quanh cái phiếu Bé Ngoan. Trẻ nào cũng phải có phiếu, đem về được bố mẹ trân trọng dán lên cửa tủ hay cửa ra vào, ai đến cũng khoe. Thế rồi, lâu dần thành cái nghiện của vô thức, suốt cả cuộc đời thành người, làm người, các thế hệ cứ nối tiếp nhau đuổi theo phiếu Bé Ngoan cho dù hình thức và nội hàm, ngoại diên của nó cứ thay đổi và được cuộc đời lượng hoá theo các cấp độ khác nhau.

Chế độ nào hay nhà nước nào cũng cần có sự tưởng thưởng cho người có công, người có tài những "phần thưởng" xứng đáng để tôn vinh. Nếu nó đúng về cách thức, đủ về mức độ của sự khen, ghi nhận và nó càng hiếm, càng khó thì sự vinh danh càng giá trị, người nhận được càng thấy tự hào. Ngược lại, nếu lạm dụng sự khen chê, coi sự tôn vinh như là một cái gì đó vừa "khó khăn" vừa dễ dãi, vừa phổ biến thì tác dụng ngược chiều là lẽ đương nhiên.

Không phải tự nhiên mà dư luận thời nay kêu ca nhiều đến thế về chuyện "ban cho" các danh hiệu hay học hàm, học vị. Nguyên nhân của sự xập xí xập ngầu có nhiều nhưng chung quy lại có thể tóm lược thế này ở 3 điểm.

a) Muốn được phong tặng danh hiệu phải kê khai thành tích - một cách nói cho dễ nghe của cái thực tế là phải làm đơn để được Hội đồng duyệt xét. Hãy thử nghĩ xem chuyện một cán bộ trẻ mới được giữ lại trường, vì trẻ nên được phân cho làm Bí thư Liên chi đoàn Khoa - tức là đương nhiên ngồi vào chỗ Bộ tứ (chi bộ, khoa, công đoàn, đoàn) để xét xem thử thầy mình hôm qua giữ mình lại, hôm nay có xứng đáng là giáo viên dạy giỏi hay không!).

Cái não nề khó tin ấy đã và đang là một thực tế hiển nhiên nên khiến cho người thầy thấy mình như bị xúc phạm khi phải làm đơn kê khai thành tích, photo bài báo để được học trò công nhận là giáo viên dạy giỏi(?)

Đây là nguyên nhân chính để người viết bài này suốt hàng chục năm không bao giờ kê khai thành tích nên không được công nhận giáo viên dạy giỏi, cho dù tự biết dạy dỗ không đến nỗi nào. Tại sao đã viết đến hàng trăm bài báo một năm mà cuối năm vẫn phải photo 1 bài cho Hội đồng lấy làm căn cứ?

b) Việc tính điểm các công trình để xét phong GS hay PGS vừa là sự mù loà, nửa đen nửa trắng lại mang đậm cái mùi vị khác thường. Chỉ một nhóm người đã qua truông, bỗng nhiên có quyền phán định số phận của người khác.

Vì cái sự này nên mới có chuyện cười ra nước mắt. Năm ngoái anh bị xét, năm nay anh được quyền xét! Cả một xã hội, môi trường đại học cứ rối như canh hẹ: Mời thầy từ Hà Nội vào dạy không phải vì chuyên môn mà vì thầy có trong Hội đồng xét danh hiệu trong khi ông trưởng hay phó khoa đang chờ đến lượt... Thế là, thầy cứ dạy 45 tiết trong vài ba buổi, cầm cỡ trên dưới chục triệu đồng, yên tâm và vui vẻ tất cả thầy ngoài kia, thầy trong này, chỉ khổ sinh viên khóc đứng rên ngồi buồn đau không kể xiết.

c) Nếu những vị cây đa, cây đề xứng đáng về kiến thức, sáng ngời về đạo đức để cho mọi người tâm phục khẩu phục thì chẳng phải bàn cãi làm gì. Đằng này, cứ 3 PGS, GS (trong ngành KHXH) thì có đến 2 người không xứng đáng. Tại sao không biết chuyện cố GS Trần Quốc vượng kể rằng "một người không phải là GS (tức thầy Cao Xuân Huy) dạy cho cái thằng tôi là GS mà nghe cứ thun thút"?

Có phải là để đòi... cái gì đó?

Nếu đã được xã hội thừa nhận, được sinh viên tôn vinh thì Hội đồng cần gì phải hành hạ các nhân cách, những tài năng bằng đủ thứ nhiêu khê? Suy cho đến cùng, đẻ ra đủ thứ giấy tờ, đủ thứ nguyên tắc thì một là đòi... cái gì đó, hai là để thoả mãn tính quyền lực, muốn hành hạ người khác. Tại sao cả GS, PGS, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân cũng phải đi chạy vạy, quan hệ hữu hảo với hết thành viên này đến thành viên khác? Làm như thế, trên thực tế là cả một mê cung mà con người có nhân cách (có hiểu biết, có đủ lòng tự trọng) vẫn cứ tiếp tục không chịu hiểu nhau.

Tại sao không đặt ra một cơ chế rằng các thành viên Hội đồng có trách nhiệm phải tự tìm hiểu thầy giáo đó, vị nghệ sĩ kia có xứng đáng để tôn vinh hay không? Cách làm đâu có khó gì. Nếu là tầm để phong GS hay PGS, chỉ cần am hiểu chuyên môn thông qua các bài viết chất lượng là được.

Còn để phát phiếu thăm dò trong sinh viên hay giảng viên thì chỉ là một cuộc điều tra xã hội học rất nhỏ. Về nghệ sĩ cũng tương tự như thế. Nếu cách làm này được áp dụng một cách khách quan thì chắc chắn chất lượng của những người được tôn vinh sẽ tốt hơn cũng như họ chắc chắn sẽ hài lòng hơn vì được tôn trọng thât sự (tôn vinh mà không được tôn trọng thì thà đừng tôn vinh còn hơn).

Ngạn ngữ Pháp có một câu rất hay, đại ý rằng vấn đề không phải là món quà mà là cách trao quà. Tôn vinh một ai đó "món quà" GS, PGS, NSƯT, NSND là một "món quà" có ý nghĩa của cả một đời người. Xã hội phải có trách nhiệm tôn vinh những nhân cách, tài năng, công lao ấy một cách xứng đáng. Có như thế thì "phần thưởng" của cuộc đời mới xứng đáng đến trọn đời.

Hội đồng phong học hàm, học vị hay phong danh hiệu nghệ sĩ phải là những hội đồng mở, được bầu chọn tương tự như bầu danh hiệu quả bóng vàng ở châu Âu, FIFA. Đó là cung cách bầu chọn thoả đáng nhất: Các phóng viên, các cầu thủ nổi tiếng, các trọng tài, các HLV đều được tham gia. Làm thế làm sao sai, làm sao không thấy tự hào?

Tại sao chúng ta không học tập cách làm vừa quang minh chính đại, vừa đạt được tầm đúng của sự chọn lọc, đạt đến tầm cao của lòng tự trọng- danh dự đáng được ghi nhận của những nhân tài?

Nguồn Vietnamnet