Trên TuanVietNam.net (VietNamNet) vừa xuất hiện bài đăng trên tờ CHINA DAILY, không rõ của ai mà chỉ ghi chú tác giả là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Việc đăng tải bài viết của báo nước ngoài là chuyện bình thường. Nhưng cái không bình thường ở đây là người ta đăng nguyên (dù là bản dịch) bài viết của Trung Quốc đang cố tình biện minh cho cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông, về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và về đường lưỡi bò mà họ tưởng tượng ra với những chứng cứ gọi là “lịch sử” mà tác giả bài báo đưa ra. Một bài viết hoàn toàn không đếm xỉa gì đến công pháp quốc tế và phủ nhận chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thay vì phải tỏ chính kiến của mình để giúp độc giả nhận rõ chân tướng của sự ngụy tạo những bằng chứng lịch sử thì TuanVietNam.net lại giúp họ khẳng định cái chủ quyền tưởng tượng ấy bằng dòng chữ in đậm gây chú ý cho dù đã sửa cái tít Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò:“Đường chín đoạn, hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc bao gồm những đặc điểm chính ở Biển Đông, với cả quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Người Trung Quốc đầu tiên tới những vùng biển thuộc những đảo này từ cách đây 2.000 năm, họ phát hiện và đặt tên các đảo và sử dụng thẩm quyền phù hợp với chúng.”
Dù Ban biên tập đã rào đón bằng một đoạn gọi là LTS (Lời tòa soạn): “Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về sự mơ hồ, vô căn cứ và yêu sách tham lam trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín đoạn), bao trùm lên 3/4 diện tích Biển Đông, giới lãnh đạo và truyền thông nước này vẫn tìm mọi cách tuyên truyền cho công chúng trong nước này cũng như quốc tế về đường lưỡi bò. Mới đây, tờ China Daily bản Tiếng Anh lại đăng bài viết với những nguỵ biện về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học.” Cái câu thòng vào cuối đoạn văn: “Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học” thật vô trách nhiệm và chẳng khác gì là một sự thừa nhận những chứng cứ ngụy tạo trên của người Trung Quốc. Bởi lẽ TuanVietNam.net không phải là báo chuyên ngành chỉ dành cho các nhà khoa học. Độc giả của nó bao gồm hàng triệu người Việt Nam khác, họ đâu có đủ điều kiện nghiên cứu để mà phản biện như tòa soạn nghĩ. Và cái mà TuanVietNam.net gọi là “tư liệu tham khảo” sẽ tác động như thế nào với số đông độc giả ấy ? Cái kiểu làm báo như thế này đã bị dư luận lên tiếng phê phán trong thời gian gần đây nhưng dường như người ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp để rồi vô tình (hay hữu ý, có trời mà biết được) làm phát ngôn viên cho kẻ khác.
Sau đây là nguyên văn bài đăng trên TuanVietNam.net sáng nay, 31-7-2011:
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-27-trung-quoc-nguy-bien-duong-luoi-bo
“Trung Quốc ngụy biện đường lưỡi bò
Tác giả: CHINA DAILY
Bài đã được xuất bản.: 4 giờ trước
Đường chín đoạn, hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc bao gồm những đặc điểm chính ở Biển Đông, với cả quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Người Trung Quốc đầu tiên tới những vùng biển thuộc những đảo này từ cách đây 2.000 năm, họ phát hiện và đặt tên các đảo và sử dụng thẩm quyền phù hợp với chúng.
LTS: Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về sự mơ hồ, vô căn cứ và yêu sách tham lam trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (còn gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, đường chín đoạn), bao trùm lên 3/4 diện tích Biển Đông, giới lãnh đạo và truyền thông nước này vẫn tìm mọi cách tuyên truyền cho công chúng trong nước này cũng như quốc tế về đường lưỡi bò. Mới đây, tờ China Daily bản Tiếng Anh lại đăng bài viết với những nguỵ biện về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Chúng tôi giới thiệu tới độc giả như một tư liệu tham khảo. Công việc phản biện, xin dành cho các nhà khoa học.
Những bằng chứng lịch sử cho thấy, người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo ở Biển Đông từ thời Tần (221-206 TCN) và thời Hán (206 TCN - 220 SCN). Các hoạt động đi lại và đánh bắt cá giới hạn ở những vùng nước của Đông Sa và Tây Sa bởi các vua thời nhà Đường (618-907 SCN), khi Trung Quốc bắt đầu điều động lực lượng hải quân để kiểm soát và thực thi thẩm quyền với khu vực.
Vào thời nhà Tống (960-1279) và Nguyên (1271-1368), người Trung Quốc mở rộng các hoạt động của họ tới vùng nước thuộc các quần đảo Trung Sa và Nam Sa. Những hoạt động bao trùm tất cả các đảo diễn ra trong thời nhà Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911), do đó đã thiết lập biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông kể từ đầu thế kỷ 20. Chính phủ Quốc dân đảng đã xem xét và thông qua tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Quốc ở Biển Đông trong tháng 12/1934 và lần đầu tiên tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo.
Một bản đồ xuất bản vào tháng 4/1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, đánh dấu mũi cực nam của Biển Đông là Zengmuansha ở vĩ độ Bắc 4.
Một bản đồ khác xuất bản tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Cộng hòa Trung Hoa. Bản đồ còn hiển thị đường 11 đoạn bao quanh bốn quần đảo với điểm cực nam ở Zengmuansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hàng hải hình chữ U của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các bản đồ ra đời sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vẫn giữ lại đường 11 đoạn, và cho tới năm 1953, thì hai đoạn đánh dấu Vịnh Bắc Bộ bị xóa. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Quốc đều đi theo đường chín đoạn, hình chữ U.
Đường chữ U là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài thiết lập chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông và vùng nước lân cận. Tháng 10/1947, các tài liệu mà bộ nội vụ trình bày với chính phủ Quốc dân đảng cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các đảo và vùng nước bên trong đường chữ U.
Ngược lại, Việt Nam, Malaysia và Philippines hầu như không biết bất kỳ điều gì về các đảo ở Biển Đông trước triều nhà Thanh (1644-1911), cũng như không có bằng chứng chứng tỏ các hoạt động của tổ tiên họ ở Biển Đông, dù chỉ là để lại một cái tên với bất kỳ hòn đảo nào.
Biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử, và đây là quốc gia duy nhất để phát triển khu vực liên tục trong suốt quá trình lịch sử. Bởi thế, người Trung Quốc có quyền chính yếu với các đảo ở Biển Đông.
Theo chuyên gia luật người Trung Quốc Triệu Hải Lý, Trung Quốc sở hữu danh nghĩa lịch sử với các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trong phạm vi đường chín đoạn, mặc dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc.
Dù Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) không đề cập cụ thể về danh nghĩa lịch sử, thì điều 15 của công ước nói: "Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác".
Người Trung Quốc đã đánh bắt và đi lại ở Biển Đông hơn 2.000 năm, và Trung Quốc đã thiết lập danh nghĩa lịch sử laai dài trước khi UNCLOS có hiệu lực. Danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, do đó cần được tôn trọng.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố đường chữ U ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã không phản đối nó cũng như không phản đối các nước láng giềng chống lại nó. Thay vào đó, đường chín đoạn là một phần của những bản đồ mà họ xuất bản, phản ánh sự chấp thuận của họ về chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của đường chín đoạn, nhưng yêu cầu của họ không hợp lý.
Sau khi UNCLOS được thông qua, công ước này thực sự quan trọng để giải thích một cách thích hợp và khoa học về đường chữ U. Nhưng đường chữ U đã hình thành từ lâu trước khi UNCLOS có hiệu lực, và việc sử dụng công ước để quyết định liệu đường chín đoạn được thiết lập từ lâu là hợp lý hay phủ nhận sự hợp pháp của nó thực tế là đã phản đối lịch sử.
Tất cả các nước ký UNCLOS nên hiểu rằng, công ước chỉ là một trong các luật pháp về biển của quốc tế (vốn không chỉ có một) và vì thế nên ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc.
* Tác giả là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Thụy Phương (Theo China Daily)”
Thụy Phương (Theo China Daily)”
31-7-2011
Nguyễn Duy Xuân
Nguyễn Duy Xuân
NDXblogspot: Tối nay 31-7 vào TuanVietNam.net (VietNamNet) xem lại bản tin trên thì thấy người ta đã thay đoạn in đậm đầu bài bằng một đoạn khác, tỏ rõ chính kiến hơn: "Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về đường lưỡi bò tham lam, vô căn cứ, truyền thông Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền cho dân chúng trongnước về yêu sách chủ quyền chiếm gần trọn diện tích biển Đông này."
Hoan nghênh tinh thần tiếp thu ý kiến độc giả của TuanVietNam.net.
Hoan nghênh tinh thần tiếp thu ý kiến độc giả của TuanVietNam.net.