Trang chủ

     

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Thủy chung một tấm lòng - Nguyễn Duy Xuân


Lại một mùa hè nữa đang đến !
Nắng đã chói chang. Bầu trời như cao rộng hơn. Và tín hiệu rõ nhất của mùa hè ấy là bản hòa tấu réo rắt của dàn hợp xướng ve. Cả ngàn vạn con vật bé nhỏ chẳng biết từ đâu ra cùng lúc cất lên thứ âm thanh nghe đến rức tai, nếu có máy đo, chắc cường độ phải đến mấy trăm đề-xi-ben. Dưới tán cây ven đường, chúng còn đồng loạt “tè” ra những làn mỏng như sương mùa đông đủ làm cho không khí thoáng chút mát dịu giữa cái nắng gay gắt. Cái giống vật bé nhỏ “mình gầy xác ve” thế mà làm nên chuyện. Chúng quả là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, đồng thanh, hiệp sức.
Mùa hè này đối với tôi thật đặc biệt. Mùa hè kỉ niệm 35 năm cái ngôi trường, nơi tôi đang thực hiện thiên chức của nhà giáo, ra đời.

Trường 35 tuổi, tôi có mặt ở đó 32 năm. Về điểm này, tôi thuộc loại người ngồi xỏ rễ (rễ chùm, rễ cọc) trên cái ghế giáo viên của mình. Biết làm sao được ! Nghiệp mà ! Cả đời tôi gắn bó với nó, lúc buồn cũng như lúc vui, lúc thăng cũng như lúc trầm. Một sự gắn bó âm thầm, vô tư như hình với bóng. Hơn nửa thế kỉ có mặt trên cuộc đời này, tôi chỉ sống với cha mẹ tôi, anh em ruột thịt của tôi một phần ba thời gian, còn hai phần ba (và sẽ hơn thế nữa) tôi sống cho ngôi trường. Thế thì không chỉ là gắn bó như hình với bóng mà còn hơn cả máu thịt !

35 năm ấy, biết bao sự đổi thay. Tôi may mắn chăng khi là người được chứng kiến gần như trọn vẹn lịch sử của nhà trường từ thuở còn tên gọi Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột đầy gian khổ khó khăn đến thời hòa nhập, phát triển sau mười năm đổi mới của đất nước ?

Bây giờ, bộ mặt trường không chỉ khang trang mà còn bề thế, uy nghi nữa ! Nhà to. Cửa rộng. Khuôn viên đẹp. Và ấn tượng sâu sắc nhất, chắc chắn là thế đối với quí khách về dự Hội trường lần này là cái cổng trường. Một cái cổng uy nghi, bề thế mà tôi cũng như  đồng nghiệp và sinh viên chưa thấy ở đâu bao giờ. Nó làm nên một biểu tượng mới của nhà trường và là niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Cổng to
Nhà lớn
Trường cao

Nhưng đẹp nhất, ấn tượng nhất, với tôi là hàng vạn con người, thế hệ nối tiếp thế hệ, đã và đang âm thầm lặng lẽ viết nên lịch sử nhà trường. Cũng như tôi, tuổi thanh xuân của họ đã đi qua ở ngôi trường này một cách vô tư vì sự nghiệp trồng người của đất nước. Có gì tương đồng chăng giữa những chú ve đang vắt sức cất lên tiếng hát kia với các đồng nghiệp của tôi hôm nay miệt mài trên trang sách để ngày mai có được bài giảng hay ?

Sinh nghề, tử nghiệp. Thuở ban đầu tôi chẳng yêu gì cái nghề dạy học. Nhưng rồi, theo năm tháng, từ giờ dạy đầu tiên cho đến nay tình yêu đó cứ lớn dần lên, để rồi bây giờ dù đầu đã hai thứ tóc, sức khỏe đôi khi có vấn đề nhưng nhiệt huyết vẫn không hề suy giảm. Xa bục giảng dăm bữa nửa tháng, lòng lại thấy nôn nao. Giờ dạy nào cũng thấy lòng mình xao xuyến. Người ta bảo, quan chức khi về hưu thì hay sầu vì cái ghế. Có lẽ sau này nghỉ hưu tôi cũng sầu vì cái ghế trên bục giảng của mình !

Chất men kì diệu nung nấu lòng yêu nghề yêu nghiệp ấy chính là các thế hệ học trò tôi. Họ thật đáng yêu ! Cách đây năm năm, khi thực hiện bộ phim tài liệu: Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc - Ba mươi năm xây dựng và phát triển, tôi đã viết:
“Cuộc gặp gỡ giữa các bạn với nhà trường, giữa các bạn với nghề dạy học là cái duyên của cuộc sống, phải biết trân trọng và giữ gìn. Phải sống hết mình cho sự sống, phải luôn luôn giữ cho trái tim mình "đỏ nhiệt tình như  hoa phượng vĩ". Đó là sức mạnh giúp các bạn vượt lên chính mình để làm nên sự nghiệp lớn.”

Đúng thế ! Bây giờ kỉ niệm 35 năm, tôi cũng muốn nói với các bạn như vậy. Các bạn đã cho tôi niềm tin và sức mạnh để tôi vững bước trên con đường dạy học của mình. Xin cảm ơn các bạn, không phải một ngàn lần mà cả cuộc đời tôi !

Và tôi muốn mượn mấy câu thơ vui này để kết thúc cảm nghĩ của mình về một mùa hè kỉ niệm:

Cổng to – Nhà lớn – Trường Cao
Đẳng Sư phạm Đắc Lắc
trào niềm vui
Nơi tôi gắn bó cả đời
Vì chưng sự nghiệp trồng người trăm năm
Mừng trường vào tuổi ba lăm
Uy nghi, bề thế ngang tầm nước non
Thủy chung một tấm lòng son
Vẫn yêu như thuở trường còn gian nan !

Những ngày tháng Năm rực lửa, 2011
Nguyễn Duy Xuân