Trang chủ

     

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Tượng nhà mồ Tây Nguyên


     Người Tây Nguyên quan niệm chết là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới của hồn ma. Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng của người sống và người chết.

Người Tây Nguyên quan niệm chết là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới của hồn ma. Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng của người sống và người chết. Hôm làm lễ bỏ mả, người sống không chỉ làm nghi thức sinh thành cho người chết mà còn chia của cải cho người chết. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, ở Tây Nguyên, nghi thức sinh thành được quan niệm và thể hiện qua hành động giao hoan. Hiện giờ, nghi thức đó không còn nữa, nhưng theo lời kể của các cụ già, vào những đêm bỏ mả trai gái được tự do quan hệ tình ái. Hình ảnh hay khái niệm sinh thành được thể hiện rất cụ thể và đậm nét trong tượng nhà mồ.

Đến thăm các khu nhà mồ Tây Nguyên, ta như lạc vào một mê cung của rừng tượng gỗ với rất nhiều hình tượng khác nhau và cách thể hiện khác nhau. Xuyên suốt qua các nhóm tượng là hình ảnh về sự sinh thành. Thông thường, ở hai bên cửa nhà mồ đều có một cặp tượng trai gái đang phô bày cơ quan sinh dục của mình hoặc giao hoan. Đứng bên cặp tượng trai gái đó, là tượng đàn bà chửa, còn các góc quanh rào là tượng những hài nhi đang ngồi.

Thế giới tượng nhà mồ Tây Nguyên phong phú, vì hầu như toàn bộ cuộc sống của con người đều được nghệ nhân dân gian thể hiện lên các tác phẩm của mình và chỉ nhằm phục vụ cho người chết. Người Tây Nguyên tạc những tượng mồ để những người đó đi hầu người chết ở thế giới bên kia. Tuy nội dung hay ý nghĩa của các pho tượng phong phú như vậy, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại gọi gộp tất cả những tượng mồ này vào một nhóm - những người hầu (tiếng Giarai là hlun, tiếng Bana là đích). Rất có thể, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, xưa kia ở Tây Nguyên, người hầu hay tù binh đã bị chôn theo các tù trưởng lớn. Chính dấu ấn của thời "chiến tranh bộ lạc" xa xưa trong các truyện cổ và sử thi Tây Nguyên đã còn để lại dấu ấn lên nội dung nhà mồ. Giờ đây, người Tây Nguyên tạc lên tượng nhà mồ những con người hay những con vật với ước muốn những con người và vật đó sẽ theo hầu hạ người chết ở thế giới bên kia.

Dần dà, theo thời gian, nội dung của các lớp tượng mồ thứ hai đã lấn dần rồi át hẳn cả lớp nội dung trước đó. Ở nhiều nhà mồ, những tượng đáng lý phải thể hiện ý niệm về sự sinh thành, đã "chuyển mình" thành hình ảnh những người theo hầu người chết: những cặp trai gái giao hoan biến thành những chàng trai, cô gái, hay đàn ông, đàn bà, những hài nhi biến thành những người buồn, người khóc… Tượng mồ lớp cũ trừu tượng và mang tính chất khái quát bao nhiêu thì tượng mồ lớp mới hiện thực và sinh động bấy nhiêu. Nếu ở các tượng mồ lớp trước tính biểu tượng là chính, thì ở tượng mồ lớp sau lại là tính hiện thực. Chính những đặc tính khái quát và gợi cảm của ngôn ngữ tạo hình cũng như của hình tượng đã tạo ra nét hoành tráng của tượng nhà mồ Tây Nguyên. Phong cách nữa của tượng mồ Tây Nguyên là phong cách tả thực - trần thuật, một phong cách gần với phong cách của sử thi. Tượng nhà mồ Tây Nguyên ngoài giá trị tâm linh còn là kho báu chứa đựng các giá trị mỹ thuật mang đậm nét dân dã, nguồn cội. Đồng bào Tây Nguyên ngày nay đang làm cho những bức tượng nhà mồ tỏa sáng để hấp dẫn du khách khám phá và chiêm nghiệm vùng đất kỳ vĩ này.
                                   Theo Quang Hải, Nguồn LangVietonline.vn