Trang chủ

     

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Truyền thống gia đình trong Đại hội Đảng XI


     Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11 bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 200 vị ( 175 vị chính thức và 25 vị dự khuyết). Trong đó, có một số tân ủy viên là con các lãnh đạo cao cấp đang đương chức hoặc đã nghỉ hưu hay đã mất trong kháng chiến. Họ còn rất trẻ, có người chỉ mới 35 tuổi. Một số người được dư luận nói đến, một số người khác gần như ít người biết. 
     Chúng tôi xin cung cấp một số tên tuổi để bạn đọc hiểu thêm truyền thống gia đình đã tạo nên những thế hệ lãnh đạo của đảng ta như thế nào.
     Vị UVTWĐ chính thức được mọi người biết đến rõ nhất là ông Nông Quốc Tuấn, con trai của Tổng Bí thư khóa X Nông Đức Mạnh, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang. Ông Tuấn năm nay 48 tuổi ( sinh năm 1963), ông Tuấn đi lên bằng con đường Đoàn – Đảng, giữ chức Bí thư trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh viên Việt Nam trước khi được bổ nhiệm đột xuất năm 2010 vào chức Bí thư Bắc Giang. Trước đó, từ tháng 4/2009 ông đã làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, chuyên phụ trách ngành ‘xây dựng Đảng’ và cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XII, đại diện cho tỉnh Sơn La.
     Nhân vật UVTW đáng ý thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị (ủy viên dự khuyết), con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 10, 11, Thủ thướng chính phủ nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, được giữ lại trường làm việc, giảng dạy một thời gian rồi đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư công chánh (xây dựng) ở Đại học George Washington ở Washington. Sau đó quay về trường giảng dạy liên tục từ năm 2006 đến nay. Ban đầu ông làm Trưởng ban Sau đại học và Quan hệ quốc tế của trường, rồi ông nhanh chóng lên chức Phó Hiệu trưởng. Nguyễn Thanh Nghị là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chính Minh . Ông Nghị được bầu bổ sung ngay tại Đại hội ( tức không có trong danh sách giới thiệu của BCH Trung ương khóa X) vào vị trí Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, dù không phải là đại biểu dự Đại hội Đảng. PV báo Tuổi Trẻ hỏi : Xin hỏi thật ông rằng thành công trong công việc của ông hiện nay là do năng lực bản thân hay nhờ truyền thống gia đình?. Ông Nguyễn Thanh Nghị trả lời : “ Nhờ cả truyền thống gia đình và nỗ lực của bản thân tôi. Nếu được nâng đỡ mà làm một việc không được, làm hai việc không xong… thì làm sao đứng vững được, đặc biệt trong công tác chuyên môn, giảng dạy. Theo tôi, truyền thống gia đình là nền tảng nhưng không thể lấy đó làm sự nâng đỡ và trong các ngành nghề chuyên môn thì không thể nâng đỡ được. Sức ép dư luận về truyền thống gia đình càng làm bản thân tôi có động lực phấn đấu làm việc tốt hơn".
      Người đáng chú ý thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh (ủy viên dự khuyết), 35 tuổi ( sinh năm 1976) con trai ủy viên Bộ Chính trị Đảng khóa X Nguyễn Văn Chi. Ông Chi, quê ở Hòa Vang, Đà Nẵng, cựu Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Xuân Anh, đi thẳng từ chức Bí thư Quận uỷ Liên Chiểu, Đà Nẵng lên Trung ương Đảng, dù mới là ủy viên dự khuyết. Trả lời câu hỏi của PV : Tại sao đang làm báo lại chuyển sang làm chính trị ?. Ông Anh nói : “- Thứ nhất đó là truyền thống gia đình. Thứ hai, bản thân tôi nghĩ chính trị là lĩnh vực mà mình yêu thích. Ba tôi hồi 41 tuổi đã là ủy viên Trung ương chính thức, bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi du học ở Canada về, tôi làm báo tại TP.HCM gần tám năm. Tôi là con trai cả nên ba mẹ muốn tôi quay về làm việc ở quê hương Đà Nẵng.
 
Nguyễn Thanh Nghị (trái) con ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Anh con ông Nguyễn Văn Chi

     Ngoài ba nhân vật kể trên còn có nhiều người được thăng tiến nhờ truyền thống gia đình mà đứng trong hàng ngũ 200 Ủy viên TWĐ như ông Nguyễn Chí Vịnh, trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng thời chống Mỹ. Ông Phạm Bình Minh, thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao , con trai cố Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; ông Trần Sỹ Thanh (ủy viên dự khuyết), nghe nói là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng ; và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, thứ trưởng Bộ y tế, người được cho có nhiều cơ hội lên thay ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Y tế hiện nay (vì ông Triệu không trứng cử Ủy viên Trung ương). Bà Kim Tiến là cháu ngoại cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập(?). Một nhân vật khác xuất thân từ gia đình cao cấp là Ủy viên trung ương Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, con trai cựu Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm. Có khả năng ông Trần Bình Minh sẽ làm Tổng Giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam thay ông Hiển.
     Ở các nước theo Chủ nghĩa Cộng sản, việc phát huy “truyền thông gia đình” rất quan trọng, có khi là tối quan trọng. Ở nước Công hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên gần 70 năm nay, bố con Chủ tịch Kim Nhật Thành thay nhau lãnh đạo đất nước. Hiện nay đứa cháu nội của Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng sắp trở thành “lãnh tụ tối cao”của nước nay. Ở Cu Ba, hai anh em nhà Phiden Castro thay nhau lãnh đạo đất nước hơn 50 năm nay. Ở Việt Nam, việc “cha truyền con nối” ấy không mạnh mẽ và quyết liệt như Triều Tiên, Cu Ba, nhưng truyền thống gia đình vẫn vẫn là một yếu tố tạo nên một bộ phận của đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ, mà biểu hiện rõ nhất là việc bầu cử Ban chấp hành Trung ương Đảng trong Đại hội Đảng XI vừa qua. Đi về các địa phương việc “phát huy truyền thống này” còn mạnh mẽ hơn nữa.
     Ông cha ta nói “ Con hơn cha là nhà có phúc”. Đối với mỗi gia đình là như thế. Cả bố và con đều là những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, vinh quang lắm chứ. Còn đối với đất nước và dân tộc không biết cách “phát huy truyền thống” gia đình ấy có mang lại sự thịnh vượng, trường tồn và toàn vẹn lãnh thổ Tổ Quốc và hạnh phúc cho nhân dân hay không, mỗi người dân rất đang mong mỏi từng ngày.
                                                             (Ngô Minh’ blog  tổng hợp)