Trang chủ

     

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Phim Việt hay phim Tàu?


     Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long của Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất sẽ tạm thời bị hoãn lại. Lý do hoãn phát sóng do 19 tập phim của bộ phim này mang đậm yếu tố Trung Hoa. Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa này và chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu.
     Ngay từ khi dự án phim này công bố và chuẩn bị quay, dư luận đã rất lo ngại cảnh phim lịch sử Việt Nam mà lai Trung Hoa. Bởi nhà sản xuất đã quá chú trọng việc thuê êkíp Trung Quốc, từ đạo diễn, hóa trang, phục trang, trường quay… và cả diễn viên quần chúng.
     Những cảnh cung điện nguy nga, tráng lệ, trang phục giáp sắt, ngựa hàng ngàn con dùng cho kị binh không thể có trong lịch sử chế độ phong kiến nước nhà cho dù ở thời hưng thịnh nhất. Cả đến những tập tục như búi tóc trên chóp đầu, phụ nữ xõa tóc hai bên… cũng rặt của Trung Hoa.
     Âm mưu đồng hoá về văn hoá không thành nhờ sự nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của ông cha ta trong hơn 1000 năm Bắc thuộc và trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đang có cơ hiển hiện qua những bộ phim "hợp tác" như thế này. Người ta vin vào cớ để có công trình 1000 năm Thăng Long-Hà Nội mà quên đi lòng tự tôn dân tộc.
     Hãy nghe vị họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người chịu trách nhiệm cố vấn về bối cảnh đạo cụ và văn hóa của phim giải thích rằng phim tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn. Ngay cả hoa văn và trang sức nếu sáng tác đúng lịch sử Việt Nam thì phải chi nhiều tiền nên nếu không có tiền thì hiển nhiên hoa văn Trung Quốc sẽ thay thế hoa văn Việt.
     Thế là đã rõ, chung qui lại cũng chỉ vì tiền. Vì tiền mà bán rẻ lòng tự hào dân tộc, để rồi du di một sản phẩm văn hóa lai căng.
     Ông Nguyễn Đắc Xuân, một nhà nghiên cứu lịch sử nhấn mạnh: “Không nên chiếu phim này trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nếu một đất nước lệ thuộc về chính trị còn có thể lấy lại nhưng lệ thuộc về văn hóa thì ngàn đời mất nước và trở thành chư hầu”.
     Không biết các bậc tiền nhân anh linh sẽ nghĩ gì khi con cháu đang "ngoại bang hoá" triều đại của mình dù chỉ trên phim ảnh?
NDX


Những hình ảnh này là của thời Lí Công Uẩn ?

Bộ sậu làm phim: Tổng đạo diễn Cận Đức Mậu(Trung Quốc), đạo diễn Triệu Lôi(Trung Quốc) và "chú nhóc" đạo diễn Tạ Huy Cường(Việt Nam) trong logo mời tài trợ.
Và với những văn bản sau đây, ai dám chắc đây là phim tư nhân, không xài tiền Nhà nước?