Trang chủ

     

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

KỈ NIỆM 192 NĂM NGÀY SINH CÁC MÁC


HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH

     Hôm nay, kỉ niệm 192 năm ngày sinh Các Mác, ngẫm về câu nói nổi tiếng của ông: Hạnh phúc là đấu tranh! Từ hơn một trăm năm nay, câu nói ấy của Mác trở thành chân lí, thành lẽ sống của triệu triệu con người trên trái đất.              
     Ở Việt Nam ta, thuở nô lệ lầm than, biết bao chiến sĩ yêu nước đã dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời chiến tranh chống thực dân đế quốc, lớp lớp thanh niên nối nhau ra trận. Cuộc đời đẹp nhất đối với họ lúc bây giờ là trên trận tuyến đánh quân thù. Những thế hệ đi trước đã thấu hiểu câu nói của Mác, họ đã làm nên lịch sử.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời cho tinh thần đấu tranh cách mạng. Vài tháng trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người viết tác phẩm: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thể hiện tư tưởng lớn của Người đấu tranh không khoan nhượng với mọi lực cản trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh. Chủ nghĩa cá nhân mà những biểu hiện đa dạng của nó như thói cửa quyền, hách dịch, tham ô, lãng phí, cơ hội, bè phái…đều là kẻ thù của Đảng, của nhân dân.
     Mùa xuân 1975, sau trận đại thắng lịch sử, đất nước hoà bình thống nhất. Không còn chiến tranh, không còn đối mặt với kẻ thù một mất một còn nên hai chữ đấu tranh dường như cũng nhạt dần. Ta chỉ nghĩ đơn giản, đấu tranh là đối với kẻ thù của dân tộc, của giai cấp, chứ hoà bình rồi thì còn đấu tranh với ai. Mọi người bắt đầu nghĩ đến bản thân, đến gia đình, vợ con. Hạnh phúc bây giờ là ăn no, mặc ấm, rồi giàu sang, phú quí, nhà lầu xe hơi… Không biết tự bao giờ, xuất hiện hai chữ nói lái lại từ đấu tranh: đấu tranh-tránh đâu. Tâm lí sợ đấu tranh, nể nang nảy sinh từ đó.
     Đấu tranh nhường thế trận và nghiễm nhiên cái xấu, cái ác có cơ hội nảy sinh, phát triển. Nó len lỏi trong lòng mọi người. Thấy cái xấu ta không dám lên án. Nhìn kẻ cắp móc túi, cướp giật ngay trước mặt mà đành lặng im. Phê bình và tự phê bình chỉ còn là hình thức. Cấp dưới thấy cấp trên làm sai thì lờ đi, thậm chí còn khen nịnh cái sai ấy. Lãnh đạo thấy nhân viên sai phạm thì bỏ qua bởi sợ mất điểm thi đua, cuối năm không được công nhận đơn vị tiến tiến, xuất sắc.
     Cũng có người dám đấu tranh đấy, nhưng lại bị chụp cho cái mũ vô tổ chức, vô kỉ luật, gây mất đoàn kết nội bộ. Rồi bị trù dập đủ kiểu. Và thế là đấu tranh chân chính bị triệt tiêu. Hội họp, sinh hoạt cơ quan, tổ chức không còn ai dám phê phán. Tất cả đồng thanh nhất trí, giơ tay biểu quyết, cười nói vui vẻ để rồi ra ngoài trút nỗi bất bình vào chén trà, li rượu.
     Cán bộ cũng đấu tranh với nhau nhưng là theo cái kiểu rình đối phương sở hở, nắm lấy cái gót chân asin mà đánh cho thân bại danh liệt để giành ghế cho mình, cho phe cánh mình. Họ đấu tranh chỉ vì quyền lợi riêng tư, phe nhóm.
     Đấu tranh là để cho xã hội phát triển. Từ thuở hồng hoang, con người đã phải đấu tranh để tồn tại. Đấu tranh với tự nhiên, đấu tranh với môi trường sống xung quanh và đấu tranh với cả chính mình. Một xã hội muốn phát triển thì phải có đấu tranh. Đấu tranh là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.
     Có lẽ khi trả lời con gái bằng câu nói hạnh phúc là đấu tranh, Mác cũng đã nghĩ như thế.
05-5-2010
NDX
Đăng http://lucbat.com/ ngày 05-5-2010