Trang chủ

     

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

TRẦN NHÂN TÔNG

TRẦN NHÂN TÔNG

     Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm (陳昑) là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông), ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng Hoàng 6 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.
     Ông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (1258).
     Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm 1278, được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, ông lấy niên hiệu là Trần Nhân Tông. Năm 1293, ông nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, làm Thái Thượng hoàng đến năm 1299 thì xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi là “Phật Hoàng”.
     Ông qua đời ngày 3 tháng 11 âm lịch năm 1308, an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
     Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”.
     Trần Nhân Tông là một nhà thơ Thiền xuất sắc trong dòng thơ thời Lý-Trần.

MỘT SỐ BÀI THƠ

天長晚望

村後村前淡似煙,
半無半有夕陽邊。
牧童笛裡歸牛盡,
白鷺雙雙飛下田。

Thiên Trường vãn vọng

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

Buổi chiều ở phủ Thiên Trường trông ra

Trước thôn, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói,
Bóng chiều tà nửa không, nửa có.
Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết,
Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.

Dịch thơ:

Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không,
Theo hồi kèn mục trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi

Dịch thơ:

Buổi sớm mùa xuân

Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay,
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới sấn hoa bay.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)