Trang chủ

     

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

KỈ NIỆM 65 NĂM QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM


HẠNH PHÚC KHI LÀ NGƯỜI LÍNH

     Có một thời hạnh phúc nhất là được mặc áo lính, được cầm súng ra mặt trận khi Tổ quốc lâm nguy. Có một thời, người lính là biểu tượng của niềm tin chiến thắng, là phẩm giá của dân tộc. Lịch sử mãi ghi thời oanh liệt ấy.


     Tôi không có được cái may mắn trẩy hội trong dòng người trẻ tuổi hừng hực khí thế ra trận, để rồi:
                  Buồn vì một nỗi mình sức yếu
                  Chưa được xông ra giữa chiến trường
                  Nghĩ miền Nam đó còn đau khổ
                  Ta thẹn vì ta ở hậu phương!
                                                    (3-1975)
nhưng cũng có chút hạnh phúc khi được khoác lên mình bộ quần áo chiến sĩ từng mong ước.
      Tháng 7 năm 1979, tôi được cử đi học khoá huấn luyện sĩ quan dự bị đầu tiên dành cho sinh viên các trường đại học phía bắc vừa tốt nghiệp ra trường. Lần đầu tiên xúng xính trong trang phục lính, tôi thấy mình thật “oách”! Không còn mặc cảm với cái thân hình “cây sậy” như khi nhà trường bắt buộc nam sinh viên phải “đóng thùng” lên lớp. Tôi thầm mong đến ngày nghỉ thì xin phép thủ trưởng chỉ huy trung đội về thăm nhà để khoe với mọi người và ra oai với hàng xóm.
                  Hôm nay anh là lính thật rồi
                  Trường Quân đội ấy là nơi rèn luyện
                  Cho anh lớn thêm và xứng đáng
                  Với tên gọi tuyệt vời:
                  Anh là chiến sĩ em ơi!
                                                          27-7-1979
       Ba tháng huấn luyện quả là đầy thử thách đối với chúng tôi, những chàng sinh viên “dài lưng” vốn quen với tự do, phóng khoáng. Đã có không ít chàng lính thư sinh bị phạt vì vi phạm quân lệnh. Bấy giờ, chúng tôi mới hiểu thế nào là kỉ luật quân đội. Kỉ luật là sức mạnh của quân đội! Câu khẩu hiệu đó quả không sai tí nào.
       Nhưng gian khổ, vất vả trong huấn luyện chúng tôi vẫn vượt qua được. Có một thử thách mà người lính sinh viên luôn luôn phải đối mặt hàng ngày: đói! Tuổi thanh niên đang sức ăn, sức ngủ. Mặc dù chế độ ăn của lính tập cao hơn cơm sinh viên nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Ra thao trường một chặp là đã thấy cồn cào trong bụng rồi. Hồi ở kí túc xá, đói còn tìm cách tầm miếng ăn:
                  Đồng bên quơ trộm mớ rau
                  Luộc lên chấm muối gật đầu khen ngon.
                            (Một thời sinh viên- 24-10-2009)
       Còn nay ở trong doạnh trại thì chỉ biết chờ tiếng kẻng gióng lên là sẵn sàng tới nhà ăn không chậm trễ.
       Chúng tôi đóng quân ở trường quân sự Nghệ Tĩnh. Cạnh doanh trại là một đơn vị thông tin, đúng hơn là trạm thông tin liên lạc. Trạm có hai cô gái thật xinh. Một cô mập mạp, tên Châu, hình như người Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Còn cô kia, gọn gàng hơn, tên là Ngô Thị Thọ, quê ở Quảng Bình, có cái má lúm đồng tiền và răng khểnh hớp hồn bọn con trai chúng tôi.
       Tôi và Nguyễn Hữu Thu, một “chiến hữu” thân cận, tìm cách tiếp cận đối phương. Hai thằng bèn nghĩ ra một cách thật độc đáo. Thế là ngày nào chúng tôi cũng sang nhà người đẹp hỏi mượn… kim chỉ để khâu quần áo. Cũng may là có đủ lí do để bịa: hôm nay vận động bị đứt mất cúc áo, hôm qua chạy vũ trang vấp ngã, rách đầu gối… Thế là từ đó chúng tôi quen nhau. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn, họ đều chuyển đi cả. Những chàng lính trẻ ngờ nghệch như chúng tôi tự nhiên thấy như thiêu thiếu một cái gì.
                Nhớ người cho mượn chỉ kim
                Giờ xa nhau biết hỏi tìm sao đây?
                Đã buồn từ mấy hôm nay
                Biết đâu nơi chốn hẹn ngày gặp nhau
                Trông người chẳng thấy người đâu…
                                                   09-09-1979
      Tình cờ, có một lần vào xem triển lãm của Quân khu 4 ở Nhà bạt, tôi gặp Thọ. Hỏi ra mới biết cô được điều sang làm thuyết minh viên ở đó. Cũng chỉ thế thôi, rồi chúng tôi chia tay, biền biệt từ bấy đến giờ.
      Ba tháng huấn luyện trôi qua chóng vánh. Tôi đã là một sĩ quan dự bị, một thiếu uý hẳn hoi. Thỉnh thoảng bạn cũ gặp nhau, chúng tôi vẫn nói đùa: những chàng sĩ quan dự bị có 30 năm “thiếu uý thâm niên”.
       Một kỉ niệm đáng nhớ trong đợt huấn luyện là dịp kỉ niệm 20 năm thành lập trường Đại học Vinh, 15-10-1979, chúng tôi được tham gia diễu binh. Anh nào anh nấy vui ra mặt. Lại còn có vẻ ra oai với các em khoá sau nữa chứ.
      Bây giờ nhớ lại kỉ niệm xưa, tôi vẫn thấy đó là một quãng thời gian tươi đẹp của tuổi trẻ trong màu áo của người chiến sĩ, dù chúng tôi so với các thế hệ cha anh thì sự chịu đựng gian khổ, sự cống hiến hi sinh chỉ như hạt cát giữa đại dương mông mênh.
      Thật hạnh phúc khi là một người lính.
Buôn Ma Thuột, 22-12-2009
Kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
Bài dự thi "Dấu ấn tuổi hai mươi", đăng VTV6.com.vn ngày 01-6-2010

Học viên sĩ quan dự bị Nguyễn Duy Xuân

Giấy chứng minh Sĩ quan dự bị