Trang chủ

     

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN 1975

KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ 1945 ĐẾN 1975

I. Hoàn cảnh lịch sử
- Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt ba mươi năm:
+ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ.
+ 20 năm kháng chiến chống Mĩ. Đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
+ Đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ miền Bắc hậu phương, chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn anh hùng.
+ Hiện thực cách mạng ấy đã tạo nên sức sống mạnh mẽ và phong phú của nền Văn học Việt Nam hiện đại từ sau Cách mạng tháng Tám.
- Điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài hạn chế, chủ yếu thông qua vùng ảnh hưởng của hệ thống các nước XHCN, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc.
II. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975
1. Nền VH phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu
- Phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu là yêu cầu lịch sử của đất nước. VH trước hết phải là một thứ vũ khí, người cầm bút trước hết phải đứng trên tinh thần công dân, tinh thần chiến sĩ
- Văn học phục vụ CM nên quá trình vận độngchủ yếu, phát triển hoàn toàn ăn nhịp với từng chặng đường của CM, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước:
+1945-1946: Ca ngợi CM và cuộc sống mới.
+1946-1954: Cổ vũ kháng chiến, phục vụ cải cách ruộng đất. Văn học gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến; hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân; thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.
+1954-1964: Ngợi ca thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH ở miền Bắc, phục vụ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
+1965-1975: Cổ vũ cao trào chống mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Nhân vật trong VH bao gồm đủ mọi tầng lớp nhân dân, thuộc mọi thế hệ, trên mọi miền đất nước. Họ được thể hiện chủ yếu ở tư cách công dân, mang những phẩm chất cao đẹp của thời đại: yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có lí tưởng độc lập tự do, tinh thần tiến công CM.
- Tình cảm bao trùm trong VH là tình cảm trong quan hệ cộng đồng: tình đồng bào, đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình giai cấp, tình cảm đối với TQ, Đảng, lãnh tụ…
- Con người trong VH là con người của lịch sử, của sự nghiệp chung, của đời sống cộng đồng. Phương diện đời tư, đời thường nếu có nói đến cũng chỉ là để tô đậm thêm trách nhiệm công dân của nhân vật.
- Hiện thực đời sống cách mạng và kháng chiến đã đem đến nguồn cảm hứng lớn cho VNS và phẩm chất mới cho văn học: “Văn nghệ phụng sự KC, nhưng chính KC đem đến cho VN một sức sống mới, Sắt lửa mặt trận đang đúc nên VN mới của chúng ta”.(Nguyễn Đình Thi)
2. Nền văn học hướng về đại chúng
- Đại chúng vừa là đối tượng thể hiện vừa là công chúng của VH, đồng thời cũng là nguồn cung cấp lực lượng sáng tác cho VH.
- Hướng về đại chúng, VH thể hiện những chủ đề cơ bản sau:
+Đem lại một cách hiểu mới về quần chúng lao động với những phẩm chất và sức mạnh của họ trong chiến đấu và lao động sản xuất.
+Ca ngợi quần chúng bằng cách xây dựng hình tượng nhân vật đám đông đầy khí thế và sức mạnh, xây dựng những cá nhân anh hùng kết tinh những phẩm chất của dân tộc, thời đại.
+Khẳng định sự đổi đời của nhân dân nhờ CM: từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, tự do, từ chỗ mê muội, lầm đường đến chỗ được giải phóng về tư tưởng, được thanh thoát về tâm hồn(Vợ chồng A phủ, Vợ nhặt, Đứa con nuôi, Mùa lạc, thơ Tố Hữu…)
- Hướng về đại chúng VH tìm đến những hình thức nghệ thuật truyền thống, ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, trong sáng, dễ hiểu đối với nhân dân.
- Chú ý phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác từ đại chúng. Phong trào VN quần chúng phát triển rộng khắp làm nảy sinh nhiều tài năng bổ sung cho lực lượng sáng tác của VH.
3. Nền văn học mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
- Chất sử thi:
+ Đề cập những đề tài có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân, đó trước hết và bao trùm là cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Do đó VH giai đoạn này là VH của chủ nghĩa yêu nước, là tiếng nói của cộng đồng dân tộc trước thử thách lịch sử: TQ còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ.
+ Nhân vật trung tâm là những con người gắn bó với cộng đồng, kết tinh những phẩm chất cao quí của cộng đồng và thời đại.
+ Người cầm bút cũng nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca người anh hùng, ngợi ca nhân dân…
- Cảm hứng lãng mạn:
+Hiện tại tuy gian khổ, mất mát, đau thương nhưng tâm hồn luôn hướng về lí tưởng, về tương lai. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho cả dân tộc để có thể làm nên những điều phi thường:
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai!(Tố Hữu)
+Trong chiến đấu nghĩ đến chiến thắng, trong gian khổ nghĩ đến độc lập, tự do, đến ngày thống nhất đất nước. Cho nên “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” và những cuộc chia li cũng “chói ngời sắc đỏ”.(Việt Bắc, Ta đi tới, Dáng đứng Việt Nam…)
Trong văn xuôi, cảm hứng lãng mạn thể hiện ở chất thơ, ở hướng vận động của cốt truyện và số phận nhân vật đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ đau khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tương lai tốt đẹp.
III. Những thành tựu cơ bản và hạn chế
1. Thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, VHNT đã gánh vác nhiệm hàng đầu mà lịch sử giao phó: tuyên truyền, cỏ vũ tinh thần chiến đấu hi sinh của nhân dân. Suốt ba mươi năm nền VN VN luôn là tiếng kèn xung trận. Nhà văn mang tâm thế: nhà văn - chiến sĩ, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Vì thế Đảng ta đã đánh giá rất cao nền VH giai đoạn này “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền VHNT chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.
2. Về mặt tư tưởng
- Kế thừa truyền thống yêu nước và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam.
Cách mạng đem đến cho người nghệ sĩ quan niệm mới về Đất nước-Nhân dân. Chủ nghĩa anh hùng toàn dân được phát huy cao độ. Cả nước trở thành chiến sĩ: từ chị phụ nữ con mọn, đến những em nhỏ, mẹ già cũng muốn lập chiến công. Các nhà văn nhà thơ phản ánh hiện thực sôi động ấy cũng bằng tinh thần chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng. Thơ HCM, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm…, văn của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu…mãi mãi là những trang viết xúc động về đất nước, con người VN đẹp đẽ, kiên cường bất khuất trong khói lửa chiến tranh.
- Kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo: nét chủ yếu trong truyền thống nhân đạo VH giai đoạn này là hướng về nhân dân lao động, diễn tả nỗi khổ bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ, phát hiện ở họ những phẩm chất tốt đẹp và khả năng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đồng thời ca ngợi vẻ đẹp, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của con người VN trong lao động và chiến đấu.
Một số tác phẩm còn đề cập đến tình yêu, hạnh phúc cá nhân nhưng với tinh thần chiến sĩ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng. Cho nên những tình cảm riêng tư đó lại là niềm động viên cổ vũ, là sức mạnh tinh thần tiềm ẩn trong mỗi một con người VN trên đường ra trận.
(Đất nước của NĐT, Tây tiến, Màu tím hoa sim…)
3. Về nghệ thuật
a. VH phát triển cân đối, đa dạng về thể loại
b. Thành tựu nổi bật nhất là ở phẩm chất thẩm mĩ của VH:
- Thơ ca đa dạng về thể loại. Đặc biệt là thơ trữ tình, thơ anh hùng ca, giàu chất trí tuệ. Hình tượng người lính là hình tượng đẹp trong thơ.
- Truyện ngắn, tiểu thuyết, các loại ký… phát triển mạnh, có nhiều tác phẩm hay nói về con người mới trong sản xuất, chiến đấu, trong tình yêu. Nghệ thuật kể chuyện, bố cục, xây dựng nhân vật… đổi mới và hiện đại.
c. Từ 1965 đến 1975, văn học chống Mĩ cứu nước nở rộ với một loạt những nhà văn nhà thơ trẻ tiêu biểu cho một thế hệ mới của VH.
d. Xuất hiện nhiều bộ tiểu thuyết, nhiều vở kịch nói thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng: Vỡ bờ, Cửa biển, Bão biển, Vùng trời, kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Nguyễn Vũ…
đ. Lí luận phê bình văn học, dịch thuật… có nhiều công trình khai thác tính truyền thống của văn học dân tộc và tinh hoa văn học thế giới.
4. Một số hạn chế
- Nhiều tác phẩm thể hiện con người, cuộc sống một cách đơn giản, xuôi chiều, phiến diện, công thức. Nguyên nhân:
+Hoàn cảnh chiến tranh: TQ là trên hết cho nên để cổ vũ chiến đấu thì phải nói về chiến thắng, về thành tích hơn là thất bại, về niềm vui, sự hi sinh hơn là nỗi đau buồn, hưởng thụ. Con người được thể hiện, đánh giá chủ yếu ở phương diện thái độ chính trị, tư cách công dân, các phương diện khác(nhất là riêng tư) không thể đi sâu.
+Nhận thức của nhiều VNS về quan điểm giai cấp còn ấu trĩ, khiến sự thể hiện con người có phần giản đơn, sơ lược, không có diễn biến tâm lí, số phận phức tạp, không mang tính nhân loại phổ biến.
- Yêu cầu về phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm nhiều khi bị hạ thấp, cá tính phong cách riêng của nhà văn chưa được phát huy mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu do hoàn cảnh chiến tranh, do quan niệm giản đơn, sơ lược về VH phản ánh hiện thực, do nhấn mạnh một chiều chức năng tuyên truyền giáo dục, do ảnh hưởng của tiêu chuẩn chính trị…
5. Văn học vùng địch tạm chiếm
-Xu hướng VH tiêu cực phản động(chủ yếu): chống Cộng, đồi trụy, gieo rắc tư tưởng bạo lực.
-Xu hướng VH yêu nước và cách mạng: lên án nghiêm khắc bọn cướp nước và bọn bán nước, nêu cao tinh thần dân tộc và nguyện vọng thống nhất đất nước, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân xuống đường tranh đấu…
NDX