Trang chủ

     

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

BỆNH SÍNH HÀNG NGOẠI


BỆNH SÍNH HÀNG NGOẠI

     Tâm lí sính hàng ngoại có từ thời bao cấp. Có lẽ vì lúc đó ta nghèo quá. Hàng họ trong nước làm ra chất lượng kém, mẫu mã xấu xí. Đã thế lại còn khan hiếm, đến cái kim, sợi chỉ cũng phải bình xét hay bốc thăm may rủi. Cho nên ai cũng mong có được đồ dùng tốt, dù là của Liên Xô, Trung Quốc hay các nước Đông Âu cũ. Lâu dần, việc được sở hữu đồ ngoại trở thành tiêu chuẩn đánh giá sự giàu sang, phú quí.

     Đến thời mở cửa, hàng ngoại ồ ạt tràn vô thì việc sính hàng ngoại không chỉ là tâm lí nữa mà là mốt, là chuẩn mực của sự sành điệu, là cái giá để thể hiện lòng trung thành của nhân viên đối với sếp, của cấp dưới đối với cấp trên. Và lâu ngày nó ngấm vào máu thịt, thành bệnh nan y: bệnh sính đồ ngoại.
      Đã là bệnh, mà lại là bệnh nan y thì phải chữa, phải có thuốc đặc trị chứ không thể hô hào chung chung. Nhưng căn bệnh này rất đặc biệt bởi ở đối tượng bị bệnh. Cho nên trị bệnh này trước hết phải xác định rõ đối tượng bị bệnh.
     Thử nghiệm lại trong thực tế hiện nay, xem ai trong chúng ta sính hàng ngoại và sử dụng hàng ngoại nhiều nhất trong đời sống hàng ngày ?
     Nông dân ư ? Họ một nắng hai sương, vất vả cấy cày, tính bình quân thu nhập chưa vượt quá trăm ngàn một tháng. Họ không thể là người sính đồ ngoại. Mà dẫu có muốn thì cũng không đào đâu ra tiền để mua sắm.
     Công nhân ư ? Lương tháng của họ ở các khu công nghiệp, chế xuất chỉ xấp xỉ trên dưới một triệu đồng. Đang thời buổi khủng khoảng kinh tế, việc làm còn khi có, khi không, ở thì thuê các nhà trọ cấp “năm”. Đến bữa ăn hàng ngày để tái lập sức lao động, họ cũng chỉ dám ăn rau muống luộc với cá khô. Vì thế, họ cũng không phải là đối tượng chỉ biết mua sắm đồ ngoại.
     Trí thức ư ? Thu nhập bằng đồng lương của họ cũng mới chỉ đủ nuôi bản thân. Tằn tiện, xoay sở thì mới nuôi được con cái ăn học. Họ cũng không phải là đối tượng cần chữa cái bệnh sính đồ ngoại.
     Còn ai nhỉ ? À đây rồi ! Doanh nhân. Doanh nhân thời trước bị khinh thường bởi ta quen nhìn họ theo kiểu “buôn gian bán lận”. Doanh nhân bây giờ được đề cao, có vị thế trong xã hội(ấy, lại là chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”). Dĩ nhiên họ giàu có, họ có quyền mua sắm. Điều đáng nói ở đây là có người làm giàu nhờ sản phẩm của mình nhưng còn sử dụng sản phẩm đó thì… xin nhường người khác. Hàng ngoại đối với họ là chuẩn đánh giá đẳng cấp trên thương trường và trong xã hội.
     Ai nữa nhỉ ? À, quan chức. Họ cũng ăn lương nhà nước như bao thành phần khác nhưng thu nhập của họ thì không định lượng được. May mắn được ghé thăm nhà họ thì chao ôi, mọi thứ đều choáng ngợp, từ viên gạch lát nền cho đến trang thiết bị trong nhà đều gắn mác madein bằng tiếng Nhật, tiếng Anh…có xuất xứ cách ta nửa vòng trái đất. Đến trang phục mặc, đeo trên người cũng toàn đồ ngoại. Nghe nói có vị bữa ăn hàng ngày cũng chỉ dùng đồ ngoại: thịt ngoại, rau ngoại, tăm ngoại…
     Họ mặc bộ đồ vét Ý có giá ba ngàn đô, cầm cây bút có giá một ngàn đô để kí tên kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam !
     Đến đây thì đã rõ: đối tượng cần được chữa bệnh sính dùng đồ ngoại là ai.
     Muốn cho cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, góp phần chấn hưng nền kinh tế nước nhà, thì trước hết, cán bộ phải nêu gương, đi tiên phong bằng việc làm cụ thể của mình, của gia đình mình. Lúc đó, không cần hô hào, tự nhiên người dân cũng ý thức được rằng: yêu nước là dùng hàng Việt Nam !
01-11-2009
NDX