LỤC BÁT VỚI CÁCH MẠNG
Lục bát là thể thơ mang đậm tâm hồn, cốt cách Việt. Hồn Việt thể hiện ở cấu trúc đặc biệt của thể thơ này gồm một cặp câu 6/8. Hồn Việt còn thể hiện ở cách gieo vần, ở nhịp thơ. Vấn đề đáng nói ở đây là thể thơ này phổ biến trong quảng đại quần chúng nhân dân. Nhân dân là đồng tác giả và đồng thời cũng là đồng độc giả. Điều này thể hiện rất rõ qua kho tàng đồ sộ tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện nôm khuyết danh...
Ở đây tôi không bàn về nguồn gốc của Lục Bát nhưng chắc chắn theo tôi, thể thơ này gắn bó mật thiết với đời sống lao động, với nhịp điệu công việc của người làm nông nghiệp. Mà đại đa số dân ta từ xưa đến nay là nông dân, quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng. Thời phong kiến, họ đâu có được học chữ thánh hiền để nắm vững niêm luật của các thể văn thơ bác học. Chỉ có thể thơ “nôm na” “Lời quê chắp nhặt dông dài” (Truyện Kiều) như Lục Bát mới thích hợp để họ bộc lộ tâm tình. Tôi nghĩ đó là căn nguyên làm nên chất dân dã, dung dị của Lục Bát.
Ở đây tôi không bàn về nguồn gốc của Lục Bát nhưng chắc chắn theo tôi, thể thơ này gắn bó mật thiết với đời sống lao động, với nhịp điệu công việc của người làm nông nghiệp. Mà đại đa số dân ta từ xưa đến nay là nông dân, quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng. Thời phong kiến, họ đâu có được học chữ thánh hiền để nắm vững niêm luật của các thể văn thơ bác học. Chỉ có thể thơ “nôm na” “Lời quê chắp nhặt dông dài” (Truyện Kiều) như Lục Bát mới thích hợp để họ bộc lộ tâm tình. Tôi nghĩ đó là căn nguyên làm nên chất dân dã, dung dị của Lục Bát.
*
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử nước nhà. Cách mạng tháng Tám là kết quả của một quá trình vận động, đấu tranh đầy hi sinh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh của cách mạng, văn học đã đóng vai trò rất quan trọng. Quá trình vận động cách mạng từ cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng tháng Tám rồi qua kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, văn học trở thành phương tiện tuyên truyền, cổ vũ mọi người tham gia vào cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.
Khi chúng ta làm Cách mạng tháng Tám, hơn 95% dân số nước ta mù chữ. Nhưng đó lại là lực lượng đông đảo, làm nên sức mạnh to lớn giúp Cách mạng thành công nhanh chóng. Họ là những người “răng đen, mắt toét…, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm.” (Nam Cao, Đôi mắt). Vũ khí tuyên truyền bằng thơ ca đã được các nhà cách mạng sử dụng để tập hợp những con người “than bụi lầy bùn” ấy đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng. Trong kho tàng thơ ca cách mạng, các thể thơ dân dộc được sử dụng nhiều như lục bát, song thất lục bát. Tư tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng được cụ thể hoá bằng các bài ca theo các thể thơ dân tộc quen thuộc, đã đi vào tâm can quần chúng nhân dân một cách tự nhiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng thành công thể lục bát vào việc sáng tác những bài ca tuyên truyền, vận động quần chúng. Ngay sau khi trở về nước sau ba mươi năm bôn ba khắp thế giới, Người đã sáng tác một loạt tác phẩm bằng thể lục bát như: Việt Nam yêu cầu ca, Mười chính sách của Việt Minh, Dân cày, Kêu gọi thiếu nhi, Công nhân, Ca binh lính, Ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong, Kinh nghiệm du kích đánh Tây…Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, nhiều bài thơ lục bát của Người, nhất là mảng thơ Mừng Xuân, thấm đượm chất trữ tình cách mạng kết hợp với cảm hứng anh hùng ca của thời đại mà đỉnh cao là bài Mừng Xuân 1969:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên!
Chiến sĩ, đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.
Thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945-1975, nhiều tác giả đã vận dụng thể Lục Bát trong sáng tác của mình nhưng có lẽ thành công nhất là Tố Hữu. Nhiều bài thơ lục bát của ông một thời đi vào lòng bạn đọc như món ăn tinh thần không thể thiếu qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như: Sáng tháng Năm, Bầm ơi, Việt Bắc, Tiếng ru, Kính gửi Cụ Nguyễn Du, Mẹ Suốt, Nước non ngàn dặm…
Có thể nói, Lục Bát tuy là một thể thơ mang đậm cốt cách tâm hồn dân tộc nhưng lại chuyển tải được những tư tưởng tình cảm lớn của cách mạng, của thời đại, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
*
Ngày nay, giữa bộn bề lo toan, khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại đã len vào tận các ngõ ngách của cuộc sống, những tưởng Lục Bát đi vào quên lãng, nhưng không ngờ nó vẫn sống mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam. Bằng chứng là khi Lucbat.com ra đời, thơ lục bát như cây cỏ mùa hạn gặp mưa rào, bừng lên mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn (qua ngắn so với chiều dài lịch sử) nó đã thu hút tâm can của hàng triệu người trên khắp mọi miền đất nước, kể cả những người Việt xa xứ. Hoá ra Lục Bát vẫn còn đó, âm thầm lặng lẽ trong mạch ngầm của dân tộc. Điều quan trọng nhất là chúng ta biết cách khơi dậy, để Lục Bát hoà vào cuộc sống hiện đại, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hoá của ông cha.
Và tôi nghĩ Lucbat.com chắc không phải vô tình khi đang gánh trên mình trách nhiệm lớn lao ấy của thời đại?
Kỉ niệm 64 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9NDX
Đăng http://lucbat.com/, mục Lục bát xưa và nay, ngày 03-9-2009