Trang chủ

     

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

KHƠI DẬY Ở TRẺ EM ƯỚC MƠ THÀNH…CƯỚP BIỂN!

KHƠI DẬY Ở TRẺ EM ƯỚC MƠ THÀNH…CƯỚP BIỂN!



      Chương trình chào buổi sáng(ngày 11-09-2009) của Đài truyền hình Việt Nam, chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách.
      Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm khi trong lời giới thiệu bộ truyện tranh của Nhà xuất bản Giáo dục mới ấn hành, cô phát thanh viên xinh đẹp nói: “…các bé gái ước mơ trở thành công chúa, thành nàng tiên cá…Còn các bé trai thì ước mơ trở thành hoàng tử…thậm chí là cả cướp biển nữa!” Nhưng tôi không nhầm một chút nào. Bởi trong lời giới thiệu sau đó kèm theo hình ảnh minh hoạ có cuốn truyện tranh “Cướp biển” thật. Người viết lời giới thiệu còn dành cả những lời lẽ hay ho cho cuốn truyện tranh này, kích thích sự tò mò của con trẻ.
     Lời bình có đoạn đại ý: khi nào giận dỗi, thử bỏ nhà ra đi với một chút hành lí và tưởng tượng mình trở thành cướp biển, ăn mặc, đi đứng, hành động như thế nào… Chao ôi, cam đoan rằng, bậc phụ huynh nào mà nghe những lời khuyên trên thì cũng phải sởn da gà bởi cái cách dạy cho trẻ tưởng tượng và ước mơ như vậy. Hệ quả của cách dạy trẻ như thế không nói thì ai cũng hiểu.
     Một bộ truyện tranh hay được xuất bản(mà lại là Nhà xuất bản Giáo dục) với ý đồ tốt: khơi dậy ở trẻ thơ trí tưởng tượng phong phú, những ước mơ tốt đẹp cho cuộc đời. Nhưng việc đưa vào bộ sách cả cuốn Cướp biển, bên cạnh những Nàng tiên cá, Hoàng tử…liệu có thích hợp không? Ai lại khơi dậy ở trẻ trí tưởng tượng mình là cướp biển, rồi mơ thành cướp biển? Sách đã thế. Còn người phụ trách chuyên mục của nhà đài thì lại phụ hoạ với những lời lẽ định hướng sai lầm như vậy thì thật là nguy hại.
     Sách cho thiếu nhi, đặc biệt là mảng truyện tranh, lâu nay đang là vấn đề làm cho dư luận lo ngại bởi chất lượng giáo dục của nó. Tôi không nghĩ Nhà xuất bản Giáo dục lại không biết điều đó. Tôi cũng không nghĩ đài truyền hình lại không biết điều đó khi mà nhà đài cũng đã từng có phóng sự về vấn đề này. Thế tại sao chúng ta vẫn dẫm lên vết xe cũ? Thế hệ trẻ sẽ ra sao trong tương lai với những định hướng ước mơ như thế?
     Tâm hồn trẻ như tờ giấy trắng. Người lớn hãy là người thầy thông minh để cho trang giấy trắng của các em tinh khôi suốt cuộc đời.
     Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Chúng ta vẫn thường đề cao câu khẩu hiệu đó. Và thế giới ngày mai ấy như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách dạy dỗ, rèn luyện, định hướng của chúng ta hôm nay.
                                                11-9-2009
                                                    NDX