Trang chủ

     

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRÒ CHƠI DÂN GIAN

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRÒ CHƠI DÂN GIAN

     Nước láng giềng Phi-lip-pin đang phát động học sinh chơi các trò chơi dân gian truyền thống của đất nước mình. Giữa cái thời mà trò chơi điện tử đang phát triển như vũ bão, len vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thì đó quả là một hành động dũng cảm, dám lấy cái dân dã, mộc mạc để chọi lại cái hiện đại.

     Cái đáng khâm phục là họ hành động một cách cụ thể, chứ không theo kiểu phát rồi mà không động như bên ta. Rõ ràng ý thức bảo tồn văn hoá dân tộc là động lực thúc đẩy hành động của con người. Một khi chưa có ý thức đúng đắn và sâu sắc về điều này thì việc phát động chỉ là để có thêm nội dung mà báo cáo, tổng kết cuối kì, cuối năm.
     Trò chơi dân gian của ta rất phong phú và đa dạng. Sức hấp dẫn của nó cũng không thua kém bất cứ trò chơi nào. Nó lại có ưu thế rèn luyện sức khoẻ vì phải vận động, rất cần cho sự phát triển thể chất của trẻ.
     Điều đáng nói ở đây là môi trường cho nó tồn tại không có. Ở thành phố, trò chơi dân gian dường như không có đất dụng võ, nhưng ở nông thôn ngày nay cũng ít thấy trẻ chơi những trò chơi quen thuộc như chơi ô ăn quan, chơi ù, đánh chuyền, cướp cù, bịt mắt bắt dê…Trẻ em thì lo học ngày, học đêm, không có thời gian để thở chứ nói gì đến việc chơi. Người lớn vì sức ép học hành của con cái nên cũng không quan tâm, thậm chí còn cấm đoán. Nơi có thể tạo điều kiện cho trẻ vui chơi trò chơi dân gian là trường học thì cũng không mấy mặn mà hoặc không ai hướng dẫn.
     Trò chơi dân gian là di sản văn hoá của dân tộc. Nó cũng cần được bảo tồn và phát triển như bao giá trị văn hoá khác. Không nên nghĩ đơn thuần chỉ là trò chơi mà thiếu đi sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội và của mọi người. Bản sắc dân tộc được hình thành từ chính những yếu tố dân dã như trò chơi dân gian.
10-11-09
NDX