Trang chủ

     

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

VĂN HOÁ ỨNG XỬ TRÊN SÂN CỎ


VĂN HOÁ ỨNG XỬ TRÊN SÂN CỎ

     Bàn thắng của Quang Hải mở tỉ số trong trận gặp chiều nay giữa tuyển Việt Nam và Singapo là một bàn thắng đẹp. Nhưng cái cách ăn mừng cởi áo chạy quanh sân rồi quăng lên khán đài của cầu thủ này thì chẳng đẹp tí nào.
     Bóng đá Việt Nam mùa giải qua đã từng chứng kiến những hành động phản cảm như thế. Báo chí, dư luận phản ứng rất nhiều mà dường như các cầu thủ không mấy quan tâm, bất chấp dư luận. Không hiểu các đội bóng giáo dục đạo đức cho cầu thủ như thế nào ?
     Chứng kiến các cầu thủ Tây ăn mừng mỗi khi có bàn thắng mà buồn cho các “sao” nhà mình. Quả là cầu thủ ta còn kém người rất nhiều không chỉ về trình độ mà còn cả trong ứng xử trên sân cỏ.
24-10-2009

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỌC LÊN NHƯ NẤM


TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỌC LÊN NHƯ NẤM

     Việc các trường đại học mọc lên như nấm trong thời gian qua cùng với vụ việc Đại học “ba không” Phan Thiết đang làm nóng dư luận những ngày qua.
    Trên trang nhất báo Tuổi Trẻ Online sáng 19/10 đăng tải bài viết "Đại học mọc như nấm" dẫn thống kê, đã có 40 trường ĐH mới chỉ trong 2 năm: 2006, 2007. Chỉ trong tháng 8/2009, đã có 5 trường ĐH mới được công bố thành lập.
    Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 376 trường ĐH, CĐ. Chỉ sau 22 năm (từ 1987 đến 2009) số trường ĐH, CĐ đã tăng gấp 3,7 lần (năm 1987 cả nước có 107 trường ĐH, CĐ).
    Tại hội nghị "Hội nhập quốc tế trong GD ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh" tổ chức ngày 16/10, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Lê Hương cho hay, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ, nhưng chỉ có 330 giảng viên có chức danh GS, PGS. Nếu chia bình quân thì mỗi trường chỉ có 1 GS, PGS. Thậm chí có trường không có PGS, GS nào.
    Ở một góc nhìn khác, báo điện tử VietNamnet chạy tít: Mở trường đại học phải 'lót tay' 2 tỷ ?
    Bên lề kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XII, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.
    GS Nguyễn Xuân Hãn cũng bày tỏ bức xúc:"Cần phải cân nhắc để hạn chế tiêu cực, vì từng có thông tin được mở trường, phải lót tay không ít, các phụ phí tiêu cực có khi lên tới 2 tỷ đồng..."
    Phải chăng đó là đáp số cho câu hỏi vì sao mấy năm qua các trường đại học (nhất là tư thục) mọc lên như nấm ?
    Ở ta hiện đang thịnh hành một cái nghề hái ra tiền mà không phải ai cũng làm được. Đó là nghề “chạy”(cò) dự án. Lĩnh vực nào của xã hội cũng có dự án. Ngành giáo dục-đào tạo cũng vậy. Bây giờ người ta đầu tư vào giáo dục từ Mầm non cho đến Đại học. Muốn đầu tư được thì phải lập trường. Muốn lập trường thì phải có dự án. Muốn có dự án thì phải “chạy”. Và vì “chạy” nên người ta duyệt dự án chỉ trên giấy tờ do bên lập dự án tạo ra, không cần quan tâm đến cơ sở thực tế để thực thi cái dự án ấy ra sao. Vì thế mới đẻ ra những trường đại học “ba không” (không có đủ giảng viên, không có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, không có hệ thống chương trình, giáo trình).
    Cứ cái đà này thì biết đến bao giờ giáo dục đại học Việt Nam cất cánh và hoà nhập cùng với khu vực và thế giới ?
23-10-2009