NƯỚC ĐẾN CHÂN MỚI NHẢY
Đó là câu thành ngữ của ông cha ta xưa chỉ sự chủ quan, không chuẩn bị trước, để sự việc xảy ra rồi mới cuống cuồng lo liệu. Nước đến chân thì vẫn còn nhảy được. Con cháu bây giờ làm ăn thời hội nhập, có những việc có thể nói nước không chỉ đến chân mà là đến rốn, thậm chí đến cổ rồi mới… vùng vẫy! Cách hành xử trong quản lí như vậy có thể nói đem đến hậu quả khôn lường.
Xin nêu một vài ví dụ điển hình:
- Khi phát hiện Vêdan đã và đang làm ô nhiễm môi trường hàng mấy năm liền, cơ quan chủ quản mới tiến hành thanh kiểm tra. Kết quả không bất ngờ: hàng loạt cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm đất đai, nguồn nước, không khí có thể thấy ở khắp nơi. Hậu quả là đất nước, nhân dân gánh chịu.
- Khi xảy ra vụ cháy chung cư 18 tầng ở Hà Nội làm chết hai người, chính quyền mới giật mình cho kiểm tra ngay hệ thống phòng cháy, chữa cháy của các chung cư mới té ngửa ra hầu hết đều không đảm bảo yêu cầu. Người dân sống ở các chung cư nơm nớp lo sợ hoả hoạn xảy ra.
- Khi dư luận bức xúc trước việc nhiều địa phương cho người nước ngoài thuê hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn thì chính quyền mới cho dừng lại và tiến hành rà soát, kiểm tra. Hàng ngàn hộ dân mất đất sản xuất.
Những khu đất, khu rừng cho thuê trở thành lãnh địa riêng của người được thuê.
Kinh tế phát triển, dân giàu nước mạnh. Nhưng làm giàu bằng mọi giá, không nghĩ đến hậu quả xấu mà con cháu phải gánh chịu thì không thể chấp nhận được. Thật không thể hiểu nổi khi có những vụ việc ngay cả trẻ em cũng biết làm như vậy là không nên thế mà người ta vẫn làm (như việc cho nước ngoài thuê đất chẳng hạn, nói cho thuê cho đẹp về câu chữ, chứ thực chất là bán rẻ đất có thời hạn). Ai có quyền đặt bút kí những hợp đồng như vậy? Họ có vì dân vì nước không hay vì cái gì khác? Những câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới trả lời được.
Chúng ta đang tự bó mình để rồi nước đến chân cũng không nhảy được.
13-3-2010
NDX