Tháng Ba, Tây Nguyên chuẩn bị vào mùa rẫy mới.
Tháng Ba cũng là mùa lễ hội của miền đất đỏ cao nguyên huyền thoại.
Tháng Ba năm nay lại thật đặc biệt: kỉ niệm 35 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, trận mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
Ôi, Buôn Ma Thuột miền đất gắn bó thân thuộc với cuộc đời tôi hơn 30 năm nay. Tháng 12 năm 2009, tôi đã làm cái kỉ niệm 30 năm ở Buôn Ma Thuột với tất cả cảm hứng thi ca của mình.
Kỉ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột năm nay, tôi muốn làm một cái gì khác không phải vì cảm hứng thi ca đã cạn. Tôi muốn có một cái nhìn cụ thể hơn, sinh động hơn, có thể chưa đầy đủ nhưng cũng không sáo mòn theo cách điểm lại lịch sử, kể lể thành tích. Tôi muốn cho mọi người những ai ở xa, những ai chưa đến được Buôn Ma Thuột hôm nay và nhất là những người Buôn Ma Thuột xa quê được nhìn thấy hình ảnh mới nhất về thành phố quê hương mình.
Thế là sáng sớm mồng 7-3, tôi xách máy quay, rong ruổi trên khắp các nẻo đường thành phố. Ở đâu tôi cũng bắt gặp một không khí nhộn nhịp, một không gian rực rỡ sắc màu chuẩn bị cho ngày Đại lễ. Ngày 10-3 này người dân Buôn Ma Thuột còn đón nhận thêm một niềm vui lớn nữa là thành phố chính thức trở thành đô thị loại một trực thuộc tỉnh. Đường tới tương lai đã rộng mở. Hứa hẹn một tầm cao mới cho thành phố quê hương.
Đường Lê Duẩn hôm nay rực rỡ cờ hoa. Con đường xanh của thành phố.
Buôn Ma Thuột là thành phố có mật độ cây xanh thuộc loại cao.
Biệt điện Bảo Đại nằm dọc con đường này vẫn giữ được nét cổ kính, lặng lẽ dưới tán xanh mát rượi của những cây cổ thụ.
Đường Nguyễn Tất Thành xứng đáng là một đại lộ trong tương lai.
Con đường như một dải lụa, vắt ngang giữa trung tâm thành phố sầm uất. Tôi tưởng tượng nó như dải phù hiệu quàng trên người đẹp đêm chung kết cuộc thi hoa hậu nào đó mà vương miện chính là Ngã Sáu.
Đến Km5 tôi rẽ theo hướng một con đường lớn mới nâng cấp: đường Nguyễn Lương Bằng nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế trong nay mai.
Quả là một con đường đẹp xuyên giữa một khoảnh rừng tếch đang thay lá.
Nắng đã hơi gắt. Tôi quay về trung tâm thành phố, đi qua những con đường quen thuộc.
Đường Trường Chinh
Đường Ngô Quyền
Đường Phan Bội Châu
Đường Nơ Trang Lơn
Người Ý có câu ngạn ngữ: mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm. Còn tôi, tôi thấy ở Buôn Ma Thuột, mọi còn đường đều đổ về Ngã Sáu.
Ngã Sáu Ban Mê! Cái địa danh đã gợi biết bao cảm hứng cho thơ nhạc, gợi khát khao gặp gỡ của bao du khách. Ngã Sáu in dấu lịch sử, văn hoá của thành phố từ buổi sơ khai, qua trường kì đấu tranh cách mạng cho đến những năm tháng lao động sản xuất xây dựng nên bộ mặt thành phố tươi đẹp hôm nay.
Ngã Sáu là chứng tích của lịch sử. Ngã Sáu là biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, Tây Nguyên chiến thắng.
Ngã Sáu giờ đây là điểm hẹn của khách du lịch thập phương, mở cánh cửa vào miền đất Tây Nguyên huyền bí.
Quảng trường thành phố cũng rực rỡ sắc màu.
Nơi đây sẽ diễn ra Lễ hội trọng thể kỉ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Muốn được ngắm nhìn thành phố ở độ cao hơn nên tôi đến toà “tháp đôi” chung cư đang được xây dựng của tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai. Cậu bảo vệ tên Hưởng đang là sinh viên năm thứ hai trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên sốt sắng dẫn tôi vào tháng máy lên đỉnh-tầng thứ 18 của toà nhà. Đây là toà nhà cao nhất thành phố hiện nay. Thang máy vốn dành cho công nhân đi lại làm việc nên chạy rùng rùng. Tôi thoáng chút ngờm ngợp nhưng rồi cũng quen dần.
Tôi đã ở trên sân thượng của toà nhà. Không giấu nổi ngạc nhiên, sung sướng, tôi reo lên: Ôi, đẹp quá!
Chưa bao giờ tôi được ngắm thành phố thân yêu ở độ cao như vậy. Cũng chưa bao giờ tôi thấy Buôn Ma Thuột lớn đến thế. Lâu nay ở dưới mặt đất, chưa vượt quá tầm cao vài mét, cứ nghĩ thành phố mình chật hẹp. Nào ngờ lên cao mới biết Buôn Ma Thuột rộng lớn. Thành phố như một người trẻ, tràn đầy sức sống, đang cựa mình, đứng dậy, vươn xa.
Trung tâm thành phố sầm uất.
Và Ngã Sáu vẫn là trái tim của thành phố.
Vùng đông bắc đang phát triển rầm rộ
Vùng tây nam bình lặng, chập chùng đồi núi.
Tất cả hợp thành một bức tranh toàn cảnh về một đô thị đang trên đà phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm của miền đất đỏ Tây Nguyên.
Cảm thấy dường như còn thiêu thiếu một cái gì đó nên sáng hôm sau tôi lại tiếp tục lên đường.
Nói đến Buôn Ma Thuột không thể không nhắc đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đóng trên địa bàn thành phố.
Trường Đại học Tây Nguyên là một trường đại học vùng đa ngành. Trường đang được đầu tư lớn để tương xứng với vai trò của nó trong tương lai.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, nơi tôi đã gắn bó cả sự nghiệp, cả cuộc đời. Được thành lập một năm sau ngày Buôn Ma Thuột giải phóng, Cao đẳng Sư phạm là cái nôi đầu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cho gần như cả vùng cuối thập kỉ 70 và đầu thập kỉ 80 thế kỉ trước. Thêm một hình ảnh so sánh để thấy được sự phát triển vượt bậc của trường.
Đây là bức ảnh chụp cách đây gần 30 năm còn bức ảnh trên mới hôm qua, hôm kia.
Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, trong tương lai không xa sẽ được nâng cấp lên đại học.
Rồi nữa, nhiều nữa những trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khác đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương trên con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Đến Buôn Ma Thuột bạn không thể không đến thăm một vài buôn làng Tây Nguyên.
Đây là buôn Akô DHông mà người ta quen gọi buôn Cô Thôn nổi tiếng, thuộc phường Tân Lợi.
Trong cơn lốc đô thị hoá mà ở đây còn giữ được nguyên vẹn 53 ngôi nhà dài truyền thống
cũng như những nét đặc sắc văn hoá của người Êđê bản địa.
Nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân lên Buôn Ma Thuột.
Thành phố đang trên đà phát triển. Còn ngổn ngang những công trường xây dựng. Nhưng đã ngời lên những nét vẽ, những sắc màu của một bức tranh đô thị hiện đại.
Thế hệ trẻ Buôn Ma Thuột những người sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bước vào đổi mới, được thừa hưởng thành quả của cách mạng,
giàu tri thức và niềm tin.
Họ sẽ là chủ nhân mới đưa thành phố quê hương bay cao bay xa.
Ôi! Buôn Ma Thuột , thành phố tôi yêu!
9-3-2010
NDX