Trang chủ

     

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

TẾT THẦY


TẾT THẦY

     Chẳng biết tự bao giờ, có lẽ đã từ xa xưa, trong tiếng nói của chúng ta có cụm từ “tết thầy”. Tết thầy, nghĩa là chúc tết (lời chúc tụng và quà tặng) thầy dạy mình. Tiếng Việt có cách diễn đạt cũng thật độc đáo, tất cả gói trọn trong hai từ rút gọn lại: tết thầy.

     Tục ngữ có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy.” Ông bà ta “lên lịch” dành 3 ngày trọng đại nhất (ba ngày tết) trong năm cho cha mẹ và thầy là có ý răn dạy ta rằng đạo lớn nhất là đạo hiếu thảo, đừng có thói vô ơn, bạc nghĩa đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục. Cha mẹ có công sinh thành và nuôi dưỡng ta lớn khôn, thầy giáo có công khai tâm, khai trí để cho ta trưởng thành, làm người có ích cho xã hội.
     Như vậy cũng đủ biết các cụ ngày xưa kính trọng thầy như thế nào. Từ đó hình thành nét đẹp trong truyền thống đạo lí của dân tộc: tôn sư trọng đạo. Vai trò của người thầy được cả xã hội đề cao, tôn kính.

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
     Từ khi có ngày Nhà giáo Việt Nam (trước đây là ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo) 20 tháng Mười Một, tết thầy không chỉ bó hẹp trong dịp tết Nguyên Đán nữa. Ngày 20-11 hàng năm cũng trở thành ngày tết trọng đại: tết của thầy cô giáo. Thêm một dịp để các thế hệ học trò và cả xã hội bày tỏ lòng biết ơn và niềm kính trọng của mình đối với những người gánh trên vai trọng trách rèn người. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được tiếp nối như mạch ngầm trong dòng chảy vô tận của lịch sử.
     Ngày xưa theo hoàn cảnh xã hội, tết thầy cũng đơn giản, lễ vật “đi Tết” cũng không lấy đâu cho nhiều, có gì dùng nấy, lòng thành là chính. Món quà mừng nhất đối với thầy không phải ở giá trị vật chất mà là ở sự tiến bộ, khôn lớn của trò. Cho nên hai chữ “tết thầy” vẫn giữ được ý nghĩa thanh cao của nó.
     Thế hệ những người U50 như tôi đã trải qua những dịp tết thầy như thế. Nào có gì đâu, chỉ là gói trà, bao thuốc lá hoặc những thứ đậm chất quê như cân lạc, cân gạo, rổ khoai…Thế mà lòng ngưỡng mộ, sự tôn kính đối với thầy cô thì không thể nói hết. Vườn nhà tôi chật hẹp, ông cụ trồng được một cây cam mà quí hơn vàng. Mỗi lần nó chỉ ra được vài ba chục quả. Khi chín vàng rực cả góc vườn. Bọn trẻ chúng tôi thấy mà thèm rỏ dãi. Bởi những trái cam quí ấy chỉ để dùng cho người ốm, cho dịp lễ tết thờ cúng ông bà tổ tiên và… để dành cho chúng tôi làm quà “đi tết” thầy.
     Ngày nay, tết thầy không đơn giản như vậy nữa. Có những món quà đắt tiền, có khi bằng cả tháng lương của thầy. Giá trị vật chất của món quà tuy không phải là thước đo cho tình cảm, nhưng đó cũng là biểu hiện của lòng mong muốn được thầy dạy dỗ tốt hơn, của lòng biết ơn và sự kính trọng đối với thầy cô giáo. Và cũng là điều nhắc nhở người thầy luôn luôn làm tốt hơn nhiệm vụ trồng người mà xã hội giao phó.
     Có thể đâu đây còn có những biểu hiện lệch lạc trong việc tặng quà thầy cô nhân ngày lễ, ngày tết, nhưng “tết thầy” vẫn là một nét đẹp bền vững trong đời sống văn hoá của xã hội ta.
NDX
Đăng http://vannghevietnam.vn/ ngày 20-11-2009
Đăng http://vannghechunhat.net/ ngày 20-11-1009